Chương 50: Mượn tay giặc, nghĩa thần diệt phản thần, Bày tiệc hoa, Tào hậu nhiếc Tiêu hậu.

Tùy Đường Diễn Nghĩa

Đăng vào: 11 tháng trước

.



Từ rằng:
1. Thời loạn hùm beo nhảy tứ tung
Họa đâu phúc đó nghĩ khôn cùng
Khen ai mưu trí, công danh toại một lá thuyền câu đậu bến sông.
2. Đêm trước yêu đương,
Đêm nay thẹn thùng
Chén vàng lệ rơi
Củi đậu nấu đậu
Nhiếc chi đanh đá?
Theo điệu "Triệu trung thố"
Họa phúc, thịnh, suy trên đời này chẳng khác gì trong giấc mộng, trong cõi mờ mịt mênh mông, có người mộng thấy mình gặp phải cảnh thảm thương, buồn nản, rõ ràng là trong giấc mộng, nhưng rồi lại tới cảnh mộng khác, gặp lúc đắc ý hiển vinh, đến nỗi quên cả những cảnh mộng cũ, lúc nào cũng thấy vênh vang tự đắc, ình là thông minh tài bộ, thả cửa làm đủ điều tham gian ngang ngược, mãi tới lúc bước lừa khập khiễng, gà đồng xao xác, lại mới nhận ra thân phận. Phần nhiều các bậc anh hùng hảo hán, ai mà ít nhiều chẳng có bệnh này.
° ° °
Bây giờ hãy nói tiếp chuyện Hạ Vương Đậu Kiến Đức, thấy Tuyến Nương trở về, nghĩ rằng công chúa Dũng An con mình đánh bại được cả La Thành, trong lòng vui mừng, kiểm lại binh mã, vừa chết vừa bị thương đến hơn một nửa, đành phải quay về Lạc Thọ, chỉnh đốn lại giáp binh, mới có thể bàn chuyện đánh họ Vũ Văn. Tào Hậu đón Kiến Đức cùng Tuyến Nương, hỏi tới chuyện ra binh vừa rồi, Tuyến Nương thuật lại tỉ mỉ suốt lượt. Kiến Đức nói tiếp:
- Bại thắng chưa thể bàn luận ngay, nhưng lần bại trận này, là lỗi ở cô khinh địch, nên đến nỗi dẫn đến binh bại. Chỉ tiếc thương Đặng Văn Tín một lòng trung nghĩa, vốn chẳng đáng chết. Nếu sớm biết nghe lời Tào Đán. Văn Tín, thì đâu đến nỗi thua như vậy.
Tào Hậu hỏi:
- Hai người nói những gì?
Tuyến Nương đáp:
- Khi kéo binh vây thành U Châu của La Nghệ, Tào tướng quân đã mật tâu với phụ hoàng, "Đại quân ở ngoài thành lâu ngày, chỉ sợ quân địch thấy lính tráng mỏi mệt, thừa cơ đêm đến ra khỏi thành cướp trại, một lúc không phòng bị, sợ gặp phải tay không vừa, xin cẩn trọng mới xong". Đặng Văn Tín cũng can ngăn: "Thắng luôn mấy trận, tướng sinh kiêu, lính sinh nhác, thì sợ rằng lại sẽ bại. Nay tướng sĩ, binh lính lâu ngày mỏi mệt, huống nữa La Nghệ vốn rất giỏi dùng binh, dẫu có bị chúng ta vây khốn, nhưng người ngựa trong thành đều cường tráng, quen chiến trận, xin đừng coi những lời này. là lời bàn suông". Nhưng rồi phụ hoàng đều chẳng nghe.
Tào Hậu nói:
- Bệ hạ thường có thể lấy yếu chống mạnh, mà vẫn giành phần thắng. Nhưng lại hay nổi thói kiêu căng, để đến nỗi ba quân tổn thất, nếu chẳng lấy chuyện này làm điều, thì chúng thiếp biết gửi thân phận vào đâu!
Kiến Đức nói:
- Hoàng hậu nói đúng lắm! Từ nay trở đi cô sẽ cẩn thận.
Tào Hậu thưa:
- Cứ như ý thiếp, bệ hạ nên hạ chiếu nhận lỗi lầm của mình, tự bỏ tôn hiệu, giảm thức ăn, mặc áo trắng, cởi ngựa trắng, làm lễ tang cho tướng sĩ, binh lính đã chết, chu cấp cho gia quyến của họ, thưởng công định tội rõ ràng, yên lòng kẻ dưới, nuôi dưỡng được nhuệ khí, để còn nghĩ chuyện đánh họ Vũ Văn. Có như thế, thì lo gì không thắng.
Hạ Vương nghe theo. Ngay ngày hôm sau, thưởng công phạt tội, thân đứng ra tế lễ những kẻ chết vì nhà vua, thăm hỏi chu cấp cho gia quyến. Xa gần biết chuyện, không ai là không thán phục.
Lại nghe báo Lăng Kính đã về, Hạ Vương vui mừng mà rằng:
- Tử Tiêu về rồi! Công việc của cô thế nào cũng chu tất!
Rồi gọi ngay Lăng Kính vào ngự điện, vừa an ủi vừa hỏi:
- Quan tế tửu đi đường xa vất vả. Không biết việc chiêu hiền đến đâu rồi?
Lăng Kính thưa:
- Thần vâng theo nghiêm lệnh của chúa công, tìm gặp Dương Nghĩa Thần, nói rõ ý chúa công. Nghĩa Thần lúc đầu hai ba lần từ chối. Thần mới đem chuyện Tùy Nhị Đế bị giết thảm khốc ra sao, tướng quân nên tìm cách báo thù mới phải. Nghĩa Thần liền khẳng khái bằng lòng. Nhưng vẫn xin chúa công nghe cho ba điều.
Hạ Vương hỏi.
- Là những điều gì?
Lăng Kính kể lại, Hạ Vương đáp:
- Nếu đã theo cô đi chinh phạt, thì thế nào cũng là quan thần của cô. Chỉ cần hết lòng giúp cô diệt giặc, sao lại không nghe.
Lăng Kính thưa:
- Lúc thần từ biệt Nghĩa Thần, có dặn thần thêm mấy câu bí quyết để tìm thêm cho chúa công một người giúp đỡ, chắc chắn là sẽ diệt được Hóa Cập.
Lăng Kính bèn ghé tai Kiến Đức, nói nhỏ mấy câu, Hạ Vương than rằng:
- Dẫu có Tôn Vũ, Ngô Khởi thời Chiến Quốc, thì cũng đến thế là cùng.
Ngày hôm sau thiết triều, quán thần lạy chào xong xuôi, Hạ Vương truyền cho Lưu Hắc Thát:
- Hôm trước Tần Vương nhà Đường có thư lại, xin vay hai nghìn thạch lương, cung cấp cho quân dự bị, sau khi đánh Vũ Văn về, sẽ trả cả gốc lẫn lãi. Nay cô cùng với Tần Vương hợp binh đi diệt giặc, hai nước cũng như anh em, không thể không cho vay. Người hãy cùng Lăng Kính xếp sẵn hai trăm xe lớn, đổ đầy lương thực, dẫn theo binh lính hộ tống, đem giao cho Tần Vương, không được để lỡ việc.
Hai người lĩnh mệnh lên đường. Lăng Kính dặn dò quân sĩ:
- Trên đường giặc cướp rất nhiều, các ngươi nên giả trang làm dân phu, che đậy cho kỹ lương thực. Quân trang, khí giới mang theo, phải luôn đầy đủ, ai không tuân ta sẽ trị tội.
Thế là cả đoàn hộ tống lên đường, chẳng mấy ngày, đã tới địa giới Tào Châu, Bối Châu.
° ° °
Hãy nói chuyện ở Thái Hàng Sơn có một đầu lĩnh tên là Phạm Nguyện, tự xưng là Phi Hổ Đại vương, dưới trướng có khoảng ba nghìn lâu la, đều là những tên dũng cảm, chọn ngay vùng giữa Bối Châu, Tào Châu này dựa vào sườn núi mà lập trại, chuyên cướp đoạt của bọn khách buôn. Gần đây đang lo lương thảo không đủ, bỗng nghe lâu la về báo, phía bắc kéo xuống hai trăm xe tải lương của Hạ Vương, đem giúp quân nhà Đường, không có lính hộ tống, cướp rất dễ. Phạm Nguyện vỗ tay mừng rỡ.
- Đến đúng lúc lắm, ta đang thiếu ăn đây!
Liền dẫn hai nghìn lâu la xuống núi, lúc này mới chập choạng tối. Bọn tiền thám quay lại báo:
- Xe lương dồn thành vòng để làm thành trại, bọn dân phu quần áo lam lũ, chẳng thấy hiệu lệnh, canh gác gì cả, tất cả đều như ngủ cả rồi.
Phạm Nguyện cả mừng, kéo thẳng đến chỗ xa doanh, thì thấy bốn bề yên lặng, chẳng một tiếng người. Bỗng một tiếng pháo nổ, bọn dân phu đều chồm cả dậy, bỏ chạy toán loạn, lâu la vội lại cướp xe, thì thấy toàn xe không, chẳng hề một hạt lương thực nào cả, Phạm Nguyện lúc này mới biết trúng kế, quất ngựa bỏ chạy, thì nghe tiếng pháo rầm trời, binh lính nhà Hạ từng từng lớp lớp bốn năm nghìn người kéo ra, vây lấy Phạm Nguyện vào giữa. Rồi đuốc đốt sáng trưng như ban ngày, phía quân Hạ tiến tới trước mặt một viên tướng, mũ kim khôi lấp lánh, tay cầm búa lớn, thét như sấm:
- Thằng giặc cỏ Phạm Nguyện kia, mau mau xuống ngựa đầu hàng đi!
Phạm Nguyện hỏi:
- Nhà ngươi là ai?
Lưu Hắc Thát đáp:
- Ta là đại tướng nhà Hạ Lưu Hắc Thát?
Phạm Nguyện nói:
- Ta nghĩ là ai, thì ra Hắc Thát sao? Ta nghĩ ngươi trước kia cũng đã từng làm lục lâm ở đoạn đường này, nay sao lại vì nhà Hạ mà đem hết sức khó nhọc. Hãy nghĩ lại dạo còn làm lục lâm, ai là kẻ không đón đường đòi tiền mãi lộ. Hãy mau thả chúng ta ra, mai kia có bị người khác đánh bại, quay về nghề cũ, thì cũng còn chỗ thể tình.
Hắc Thát nổi giận quát:
- Thằng giặc cỏ lại dám bôi nhọ ta sao?
Rồi giương cao búa xông vào, Phạm Nguyện vội đỡ. Đánh khoảng hơn ba mươi hiệp, bất phân thắng bại..Bỗng thấy trong trận quân Hạ, một người cưỡi ngựa tiến ra gọi lớn:
- Hai vị tướng quân, xin hãy dừng ngựa, ta có lời giảng hòa hai vị có được không?
Phạm Nguyện hỏi:
- Lại còn ai nữa đây?
Lăng Kính đáp:
- Ta là quan tế tửu Lăng Kính nhà Hạ.
Phạm Nguyện lại hỏi:
- Tế tửu nói những gì nào?
Lăng Kính đáp:
- Nhà ngươi hiện nay như hổ bị nhốt trong hầm rồi, dẫu có cánh nữa, cũng chẳng bay nổi. Sao không bỏ tà quy chính, theo hàng Hạ Vương, cùng đi diệt Hóa Cập, báo thù cho Tùy Dượng Đế, quan sẽ được phong cực phẩm, thụ hưởng tước lộc, lại không hơn ở đây làm giặc cướp hay sao?
Phạm Nguyện đáp:
- Tế tửu nói tuy đúng, nhưng chỉ sợ Hạ Vương có dung cho không?
- Hạ Vương lâu nay vẫn nổi tiếng chiêu hiền nạp sĩ, chẳng hề nhớ oán thù cũ, có gì mà lại không dung nổi.
Phạm Nguyện nghe thế cả mừng, liền vứt giáo xuống ngựa đầu hàng. Hai nghìn lâu la cũng cởi giáp lạy theo. Phạm Nguyện mời hai người lên sơn trại nghỉ ngơi, rồi hãy dẫn binh đi tiếp. Lăng Kính đáp:
- Lưu tướng quân cùng túc hạ hãy cứ ở sơn trại nghĩ ngơi, ta còn phải đi vùng hồ Lôi Hạ, mời Lương Thái bộc tới rồi cùng đi một thể.
Nói rồi từ biệt hai người, dẫn tay chân lên đường.
° ° °
Lại nói Dương Nghĩa Thần, từ lúc Lăng Kính đi khỏi, có đêm xem thiên văn, nhìn về góc tây bắc, thấy chòm thái ất lạc hẳn vào góc, mà ánh sáng mờ tối như muốn tắt, trong lòng vui mừng, nói với Dương Phương:
- Hóa Cập chết đến nơi rồi, ngươi hãy mau thu xếp hành trang khí giới, chờ Lăng Đại phu tới, cùng ta lên đường, giết lũ phản thần này, báo thù cho tiên đế.
Ngày hôm sau, Lăng Kính vừa đến, Nghĩa Thần mời vào nhà, Lăng Kính nói ngay:
- Vâng mệnh Hạ Vương, riêng tới mời lão tướng. Ba điều mà thái bộc cần, Hạ Vương hoàn toàn ưng thuận, Phạm Nguyện cũng đã trúng tuyệt kế của thái bộc mà về hàng, hiện đang chờ ở ngay sơn trại.
Nghĩa Thần vui mừng, bày tiệc rượu khoản đãi, rồi dặn dò gia nhân, công việc nông trang. Nghĩa Thần hẹn đi trong vòng một tháng lại sẽ trở về, rồi cùng Lăng Kính lên đường, rời Lôi Hạ, đến
Thái Hàng Sơn đã thấy Hắc Thát, Phạm Nguyện, người ngựa xuống đón, mời lên sơn trại. Phạm Nguyện đã được nghe kể Nghĩa Thần bày cách chiêu hàng mình như thế nào, nên vội bái lạy Nghĩa Thần mà rằng:
- Nguyện này vốn là kẻ lỗ mãng, may được lão tướng quân nhìn đến, chỉ xin được cầm roi theo hầu, đem hết sức khuyển mã, để tận tình đền đáp lão tướng quân.
Nghĩa Thần đáp:
- Túc hạ đã quyết cải tà quy chính, thì quả là không phụ lòng mong ngóng của ta. Nhưng còn những đàn bà con gái trên sơn trại bị bắt về, hãy nên cấp tiền đi đường cho họ, rồi thả cho về nhà. Mai kia công thành danh toại, cái gì mà chẳng có.
Phạm Nguyện nghe theo, thả cho tất cả đàn bà con gái về, đốt cả sơn trại, cùng một người với sáu bảy nghìn lâu la kẻo nhau về Lạc Thọ. Lăng Kính mời Nghĩa Thân vào quán dịch, rồi cùng Hắc Thái, Phạm Nguyện vào trình Hạ Vương. Phạm Nguyện đem bảo vật làm lễ ra mất Hạ Vương. Hạ Vương phán:
- Khanh đã bằng lòng tới đây để giúp cô, lo việc quốc gia, thế đã là vật quý của nước nhà rồi. Cô còn lấy những vàng ngọc vô dụng ấy làm gì. Khanh hãy cứ giữ lấy, về sau mà thưởng cho tướng sĩ.
Phạm Nguyện càng kính phục, Hạ Vương bây giờ mới hỏi Lăng Kính:
- Tế tửu có mời được Nghĩa Thần không?
Lăng Kính thưa:
- Dương tướng quân hiện đang ở ngoài trạm dịch. Theo như thần nghĩ, người này trước kia đã từng đối địch với chúa công, chẳng ai chịu nhường ai. Nay nếu chúa công không thân hành ra đón, chào hỏi thật trịnh trọng, thì sợ ra người này vẫn giữ vẻ khách khí, không chịu đem hết tài năng ra để giúp chúa công chăng?
Hạ Vương phán:
- Khanh bàn luận thật sáng suốt.
Sai sắp sẵn xe rồng, dẫn trăm quan ra tận ngoài thành nghênh tiếp vào đến trạm dịch, Nghĩa Thần lạy chào. Hạ Vương thấy Nghĩa Thần mày thanh tóc bạc trắng, dáng tiên phong đạo cốt, thật đáng bậc định quốc an dân, phò nguy cứu khốn, liền vội vái trả một nửa.
Nghĩa Thần thưa:
- Làm tôi của một nước đã mất, thật chịu ơn nặng của đại vương mời đến, đâu dám nhận lễ của đại vương.
Hạ Vương phán:
- Cô vẫn kính trọng thái bộc bởi lẽ trung thần nghĩa sĩ, nên cúi mình mời thái bộc tới để cùng diệt trừ lũ phản nghịch vậy.
Nghĩa Thần đáp:
- Lũ nghịch Hóa Cập, chỉ hận không thể trả ngay cừu thù để tạ đất trời. Những điều bàn bạc với tế tửu đều đã xong xuôi, chỉ xin đại vương, sau khi đã diệt xong Hóa Cập, lại cho vong thần này trở về vườn cũ.
Hạ Vương phán:
- Cô đã nói là phải giữ chữ tín với thiên hạ, nỡ lòng nào mà nuốt lời cho được.
Rồi cùng vào thành, mời Nghĩa Thần vào nhà công quán nghỉ ngơi, sai bày yến tiệc, lấy lễ chủ khách ra đãi. Hai bên luận bàn, mãi tới khi mặt trời sắp lặn về tây, Hạ Vương mới trở về cung. Chọn ngày tốt để xuất sư, phong Lưu Hắc Thát làm đại tướng quân, đeo ấn nguyên soái, Phạm Nguyện làm tiên phong, Cao Nhã Hiền lãnh tiền quân, Tôn An Tổ, Tề Thiện Hằng lãnh hậu quân, Tào Đán làm tham quân nạp ngôn, Bùi Cử, Tống Chính Bản làm vận lương nạp ngôn, Dũng An công chúa làm giám quân chánh sứ. Lăng Kính cùng Khổng Đức Thiệu ở lại giữ Lạc Thọ, giúp Tào Hậu giám quốc, Nghĩa Thần cùng ngồi trong trướng với Hạ Vương, trù mưu tính kế. Cắt mười vạn tinh binh, rầm rộ nhằm thẳng Ngụy Huyện.
Lúc này Tần Vương Lý Thế Dân, cùng với Hoài An Vương Thần Thông, đã dẫn binh tới Ngụy Huyện từ trước. Lưu Văn Tĩnh xem thư từ các nơi gửi đến xong, tâu với Tần Vương:
- Ngụy Công Lý Mật sẽ kéo quân tới, còn Vương Thế Sung chưa dám nghĩ đến việc bắc phạt. Hạ chủ Kiến Đức khuyên đại vương chẳng phải khó nhọc, chỉ cần sai một hai phó tướng, dẫn binh lính cùng tới là đủ.
Tần Vương đáp:
- Điều này vừa hợp ý ta. Hôm qua, phụ hoàng vừa có chỉ tới, nói rõ Khả hãn Lưu Vũ Chu ở Định Dương kéo binh đánh Tĩnh Châu, Vương Thế Sung ở Lạc Dương xâm phạm Doãn Châu, Lương Tiêu Tiên nhòm ngó Hiệp Châu, cả ba cánh đều rất ngang ngạnh, đòi ta phải về lo việc đối phó. Khanh hãy cùng Hoài An Vương Lý Tĩnh, cùng nhau lo việc tiễu trừ Hóa Cập.
Tần Vương liền đem ấn kiếm giao cho Thần Thông, còn mình thì theo đường tắt về Trường An.
Vốn là Lý Tĩnh từ ngày đem theo Trương Xuất Trần về vùng Thái Nguyên, tìm đến Trương Trọng Kiên, Từ Hồng Khách, gặp Lưu Văn Tĩnh, đúng lúc Tần Vương mở Chiêu Hiền Quán. Văn Tĩnh dẫn cả ba người đến gặp Tần Vương, Tần Vương thấy phong độ hiên ngang, biết ngay là hạng khác thường, lấy lễ mời về. Hồng Khách thấy Tần Vương mặt rồng mắt phượng, biết ngay là bậc chân chúa, lại thấy Tần Vương nắm tay Trọng Kiên, khiến hai tay Trọng Kiên đau không chịu nổi, lui về một góc phòng. Tần Vương lại đưa mắt liếc nhìn, Trọng Kiên phải thưa:
- Đại vương làm gì mà chiếm cứ tất cả như vậy, hãy nhường cho kẻ khác một góc chứ?
Tần Vương mỉm cười buông tay, nhân chuyện này, Hồng Khách nói với Trọng Kiên:

- Việc lớn trong thiên hạ đã xếp đặt xong rồi, hiền huynh còn cố tìm kiếm làm gì nữa?
Bọn Trọng Kiên từ biệt Tần Vương, đem cả gia tài cho Trương Xuất Trần, rồi cùng Hồng Khách bỏ đi chu du hải ngoại, tận nước Phù Dư, lập nên một sự nghiệp khác. Lý Tĩnh lại dưới trướng Tần vương, tâm đầu ý hợp, nên mới giao cho việc cùng Hạ Vương diệt Vũ Văn, nắm quyền quân cơ đại sự với Hoài An Vương Thần Thông.
° ° °
Lại nói chuyện Vũ Văn Hóa Cập, được báo có ba cánh quân kéo đến, thế mạnh khôn đương, liền đem tất cả châu báu vàng lụa trong kho, chiêu nạp bọn cướp biển, để mong dùng chúng đánh lại chư hầu.
Từ Mậu Công biết rõ Hóa Cập binh ít, tướng đơn, liền mật sai tướng tâm phúc Vương Bộ, dẫn ba nghìn người ngựa, giấu theo hơn ba trăm cân thuốc độc, giả danh Ân Đại Dụng vào thành hàng Hóa Cập. Hóa Cập cả mừng, phong ngay làm Điện tiền độ ngu hầu.
Hoài An Vương Lý Thần Thông, được Tần Vương giao cho ấn kiếm, kéo quân đánh Hóa Cập, cách thành khoảng bốn mươi dặm dừng quân hạ trại. Hóa Cập từ trước đã rõ Tần Vương phải quay về cứu mặt tây bắc của nhà Đường, bụng khinh thường bọn Thần Thông vô mưu, dẫn ngay tướng sĩ ra ngoài thành nghênh địch. Nào ngờ Lý Tĩnh túc trí đa mưu, ngầm đem tinh binh mai phục chu đáo, chờ cho quân Hóa Cập lập trại, bày thành thế trận xong xuôi, sai Lưu Hoằng Cơ từ góc trận xông ra đánh Hóa Cập.
Thủ hạ của Hóa Cập là đại tướng Đỗ Vinh, Mã Hoa, cả hai vác họa kích, phi ngựa ra ngăn lại, hai cây họa kích đều nhằm đầu ngựa Hoằng Cơ mà đánh bừa, bị Hoằng Cơ chém một đao bên phải, một đao bên trái, kích đều gãy đôi. Đỗ Vinh, Mã Hoa đành chỉ cầm cán kích quay ngựa chạy, Hoằng Cơ cũng phi ngựa về trận mình. Đỗ Vinh giật một cây thương trong tay lính, Lý Tĩnh thấy thế, đặt một mũi tên, nhằm giữa cổ Đỗ Vinh mà bắn, dây vừa buông, Đỗ Vinh đã lăn ngay khỏi ngựa. Quân Vũ Văn đại bại, may được con cả Thừa Cơ đem quân cứu viện.
Hóa Cập bỏ Ngụy Huyện, đương đêm cùng Tiêu Hậu trốn về Liêu Thành. Quân nhà Đường dò biết, Lý Tĩnh nói:
- Quân giặc tuy thua chạy về Liêu Thành nhưng thế vẫn còn lớn, một lúc chưa thể đánh ngay. Ý Lý Tĩnh này muốn xem động tĩnh ra sao, dò thật thực hư, tìm kế lạ rồi hãy tiến công.
Thần Thông đáp:
- Đúng như ý ta vậy?
Rồi cả hai dẫn vài tùy tướng cưỡi ngựa, đang đêm ra ngoài doanh trại tới hai mươi dặm, thả ngựa trên gò cao, ngửa mặt nhìn mây gió. Lý Tĩnh nói:
- Hóa Cập là phường phản nghịch, sắp mất nước, diệt thân nay mai.
Các tướng thưa:
- Thế giặc còn mạnh lắm, sao đã chịu thua.
Lý Tĩnh đáp:
- Khí sắc trên Liêu Thành trông như đã tuyệt rồi, làm sao Hóa Cập không chết cho được. Nhưng trông khí sắc của quân doanh cả nhà Đường lẫn nhà Ngụy cũng không có điềm thắng trận, chẳng hiểu thằng giặc này sẽ chết về tay ai đây?
Nói chưa dứt lời, một đám mây đầy sát khí, xông vào giữa phận sao Ngưu, sao Đẩu, như sắp che kín cả bầu trời, nhưng rồi gió từ phương Nam tới, thổi mây như khói, như lửa của một màu. Lý Tĩnh ngửa mặt mà than:
- Thì ra đánh thắng tụi giặc này lại là binh tướng của phương Bắc vậy?
Trời đã về tối hẳn, tiếng quạ kêu rát họng, kéo nhau từng đàn về tổ. Lý Tĩnh lên tiếng bảo mọi người.
- Ta đã nghĩ được diệu kế rồi đây?
Rồi cả bọn lên ngựa trở về quân doanh, Hoài An Vương mới hỏi Lý Tĩnh :
- Diệu kế ra sao?
Lý Tĩnh ghé tai Hoài An Vương nói nhỏ mấy câu, Thần Thông gật đầu khen hay, liền ngầm sai tướng Khuất Đột Thông, chọn lấy năm trăm lính giỏi săn bắn, đem theo khí giới, lưới võng, lảng vảng ngoài thành, xem có chim nào từ thành bay ra, bắt cho kỳ hết, được con sống, tính con mà thưởng. Khuất Đột Thông theo lệnh mà làm.
° ° °
Lại nói Hạ Vương bàn chuyện diệt Vũ Văn với Nghĩa Thần, Nghĩa Thần thưa:
- Mới vào đất giặc, chưa rõ thực hư, hãy sai Phạm Nguyện dẫn ba nghìn người ngựa, đi trước khiêu chiến, xem giặc động tĩnh ra sao, rồi sau mới định kế được thật toàn vẹn.
Hạ Vương nghe theo, Nghĩa Thần liền sai Phạm Nguyện dẫn binh mà đi.
- Chỉ cần ngươi thua, không cần ngươi thắng!
Phạm Nguyện kéo quân tới thẳng Liêu Thành. Hóa Cập sai con trai đầu Vũ Văn Thừa Cơ ra địch, hai bên giao chiến tới hơn năm mươi hiệp, Phạm Nguyện giả thua, quay ngựa chạy khoảng hai mươi dặm, Thừa Cơ cũng không đuổi, hai bên khua chiêng thu quân. Nghĩa Thần cùng lệnh cho Hắc Thát lui quân hai mươi dặm hạ trại. Chỉ riêng có Lý Tĩnh là hiểu rõ kế dụ giặc của Nghĩa Thần, liền đem tất cả quạ yến, tước, tu hú... của Khuất Đột Thông bắt được, kể không biết mấy, lấy những hạt hồ đào, hạt mận, đập ra lấy nhân, bỏ thuốc pháo vào bên trong, dùng dây buộc những thứ đó vào đuôi chim, nhất tề sai lính tráng thả chúng vào thành. Hôm ấy, Thừa Cơ đánh bại Phạm Nguyện, dẫn binh trở về thành, vào trình Hóa Cập rằng binh Kiến Đức không đáng lo, ngày mai sẽ xin lĩnh năm vạn tinh binh, kéo ra quyết chiến một lần nữa, thừa thắng lên bắc bắt sống Kiến Đức, sang Tây phá tan Lý Uyên. Vũ Văn Trí Cập khuyên:
- Cả ba cánh quân đều rất mạnh, đâu phải chỉ đánh một mặt mà xong, phải chia các tướng ra mà mai phục các cửa, bốn phía tiếp ứng lẫn nhau, thì mới không bị bất ngờ.
Hóa Cập khen phải, rồi sai đại tướng Dương Sĩ Lăm, Trịnh Thiện Quả, Tư Mã Hùng, Ninh Hổ, nhận kế sách, mai phục bốn phía. Thái tử Thừa Cơ làm tiền quán, ngự đệ Trí Cập lãnh trung quân. Hóa Cập tự lãnh hậu quân. Xếp đặt xong xuôi, tất, cả kéo ra khỏi Liêu Thành sáu mươi dặm hạ trại, lấy hiệu pháo làm lệnh ra quân, giữ Ân Khai Dụng, cùng Vũ Văn Thừa chỉ ở lại hộ giá trong thành. Các tướng lĩnh mệnh kéo quân ra khỏi thành, chỉ riêng Hóa Cập là chưa khởi hành, mà vẫn còn ngủ say trong cung với Tiêu Hậu.
Bỗng nghe báo trong thành khắp nơi phát hỏa, Hóa Cập vội vàng trở dậy tuần sát thì đã thấy khói lửa mù mịt, khắp trời, thì ra đó là diệu kế của Lý Tĩnh, chỉ trong phút chốc, cả thành đỏ rực, từ lâu đài nhà cửa cho đến kho tàng đều bị thiêu cháy. Ân Đại Dụng lại giả danh cứu hỏa, lấy số nước còn lại khoảng ba ngày, sai ngầm bỏ thuốc độc vào tất cả. Hóa Cập thấy quân sĩ lúc đầu mắt hoa đầu váng, sau ra thượng thổ hạ tả, bệnh ùn ùn kéo đến kêu khóc ầm trời đất, cho rằng thiên địa giáng tai ương, mong trừ diệt dòng họ Vũ Văn, ngày đêm kinh hoàng. Quân Hạ Vương dò biết, về báo tường tận cho Kiến Đức.
Nghĩa Thần biết ngay là mưu kế của Từ Mậu Công nhà Ngụy và Lý Tĩnh nhà Đường, bèn sai ngay Phạm Nguyện dẫn một vạn tinh binh, đóng giả lính họ Vũ Văn, nhưng có làm dấu hiệu riêng, nhân đêm tối lẻn vào đại trại của Trí Cập cách đó hai mươi dặm đợi sáng, lại điều Lưu Hắc Thát, Tào Đán, Vương Tôn lĩnh năm vạn quân đương đầu với Trí Cập, Nghĩa Thần thân dẫn hai vạn quân cướp trại, còn Cao Nhã Hiền, Tôn An Tổ, Tống Chính Bản lãnh bốn vạn binh lính, mai phục dọc đường, để sẵn sàng cứu ứng ọi nơi. Lại giữ lại hai vạn quân, giao cho Bùi Cử trông coi doanh trại, hộ giá công chúa Dũng An. Xếp đặt xong xuôi không quên cho quân sĩ ăn thật no, rồi ba phát pháo nổ ran. Hạ Vương dẫn quân kéo thẳng vào Liêu Thành.
Quân nhà Đường, nhà Ngụy biết rõ việc này, cũng nổ pháo giúp oai, bốn cửa đều vang động. Hóa Cập đốc thúc tướng sĩ, cùng với Ân Đại Dụng ra thành nghênh địch. Hạ Vương nhận ra Hóa Cập, không nói một lời, vác thanh nguyệt yến đao xông tới. Hóa Cập cũng cho ngựa chồm lên đỡ, đánh hơn hai mươi hiệp, nào ngờ Đại Dụng quay lại thành, mở cổng cửa, quân Hạ Vương ùa vào thành như nước. Hóa Cập nhân có Trí Cập giấu quân hai bên đường, nên vừa đánh vừa lui. Lại thấy Nghĩa Thần, sau khi đã cướp được trại quân của Trí Cập, cũng kéo quân tới tiếp ứng, nói với Hạ Vương:
- Chúa công mau vào thành phủ dụ trăm họ, thu thập lấy quốc bảo, thư tịch, để lão vong thần này chém đầu tên giặc này cho.
Hạ Vương quay ngựa dẫn binh vào thành, Nghĩa Thần xông vào đánh nhau với Hóa Cập. Được khoảng ba bốn chục hiệp, Dũng An công chúa sợ Nghĩa Thần sơ xuất gì chăng, vội lôi trong túi gấm ra một viên kim đạn, giương cung bắn viên đạn đi, trúng ngay miệng Hóa Cập. Bốn năm nữ binh cầm đoản đao, xông thẳng lên trước ngựa Hóa Cập, cứ chân ngựa mà chém, Nghĩa Thần lại bồi thêm một thương, Hóa Cập ngã lăn xuống ngựa, Nghĩa Thần sai thủ hạ trói lại, nhốt vào xe tù. Lại thấy Tào Đán đã chém được Dương Sĩ Lãm, còn Lưu Hắc Thát cùng với Trí Cập, hai ba tướng nữa vẫn còn ham đánh chưa phân thắng bại. Nghĩa Thần rẽ quân lính ra, cho đẩy xe tù nhốt Hóa Cập lên trước hướng về quân Vũ Văn, gào lớn:
- Các ngươi đều là binh sĩ nhà Tùy cũ, chỉ vì nghịch tặc ép buộc.
Gia quyến các ngươi đều ở Quan Trung. Nay nghịch tặc đã bị nhốt trong cũi này rồi, các người muốn được về Quan Trung, thì hãy quy thuận Hạ Vương, sẽ được thăng quan thưởng cấp, nếu như không hàng, sẽ chôn sống kỳ hết!
Quân Vũ Văn nghe thế, đều vứt binh khí, giáp trụ ra hàng. Trí Cập thấy anh đã bị nhốt trong xe, mình bị vây kín, lòng dạ hoang mang, lại thấy binh sĩ quay giáo, cởi áo hàng cả, liền dẫn mấy tên lính kỵ chạy trốn vào doanh trại của Vũ Văn Thừa Cơ. Không ngờ Tôn An Tổ phi ngựa lại như bay, đâm một thương vào sau lưng, ngã lăn khỏi ngựa. Nghĩa Thần quát binh lính, quàng ngay gông vào cổ Trí Cập, nhốt luôn vào xe tù, rồi kéo cả đại quân lại đánh Vũ Văn Thừa Cơ.
° ° °
Lại nói Hạ Vương dẫn quân vào Liêu Thành, đã thấy cửa thành mở rộng, một viên tướng xách một thủ cấp, đến trước ngựa Hạ Vương mà thưa:
- Thần là bộ hạ của Ngụy Công, tùy tướng của Tả dực vệ đại tướng quân Từ Mậu Công, Vương Bộ, vâng lệnh chủ tướng giả danh Ân Đại Dụng, lãnh ba ngàn quân, giả làm cướp biển, về hàng Hóa Cập Hóa Cập cho làm Đô Ngu hầu. Hôm qua bỏ thuốc độc xuống các giếng nước, gây bệnh cho quân sĩ, hôm nay mở rộng cửa thành để đón quân của đại vương. Đây là thủ cấp con thứ của Hóa Cập là Vũ Văn Thừa Chỉ, thần xin dâng đại vương, mời đại vương vào điện, thần xin được cáo từ.
Hạ Vương đáp:
- Khanh đã có công phá thành, hãy lưu lại vài ngày, đợi có khao thưởng quân sĩ, rồi trở về cũng chưa muộn đâu?
Vương Bộ thưa:
- Từ tướng quân hiệu lệnh nghiêm túc, thật không dám ham khao thưởng, sợ lỡ hẹn của tướng quân.
Nói rồi từ biệt. Hạ Vương than:
- Vương Bộ thật là bậc trượng phu. Riêng việc này cũng đủ biết Từ Mậu Công làm chủ soái nghiêm minh đến chừng nào!
Hạ Vương kéo quân vào, mời Tiêu Hậu ra chính điện, Kiến Đức làm lễ triều kiến, lập thần vị Tùy Dượng Đế, dẫn bách quan đều mặc quần áo trắng, làm lễ phát ai. Lúc này Dũng An công chúa cũng dẫn các tướng lục tục kéo vào, đem Hóa Cập, Trí Cập đặt ngay trước điện. Tào Đán xách thủ cấp Dương Sĩ Lãm, Phạm Nguyện xách thủ cấp Vũ Văn Thừa Cơ, Lưu Hắc Thát, Tôn An Tổ giải theo các tướng của Vũ Văn đều vào báo công. Hạ Vương sai quân sĩ đem Hóa Cập, Sĩ Cập trói vào cột, lấy dao mổ bụng để hiến tế Tùy Dượng Đế, lại bắt các tướng Vũ Văn quỳ ngay trước thần vị, ai nguyện hàng đều tha cho, kẻ nào không phục đều giết cả. Bỗng thấy Bùi Cử, được coi giữ đại trại, ột tướng vào báo:
- Dương lão tướng có thiếp đưa trình, nên phải sai mạt tướng vào tâu ngay đại vương rõ.
Hạ Vương giở thiếp ra xem, thấy thiếp viết rằng:
"Kính trình Hạ Vương:

Phản thần Hóa Cập đã bị bắt, chí nguyện của thần đã toại, mong Hạ Vương nhớ lại lời hứa buổi đầu, mở lòng nhân đức, cho vong thần này được trở về với vườn ruộng. "
Mũ treo huyền vũ sớm quay về
Chẳng mến gì hơn mến núi khe
Một lá thuyền con trôi ngơ ngác
Động Đình mây nước gió thu vèo.
Hạ Vương xem hết, thở dài:
- Nghĩa Thần đi rồi? Cô mất một cánh tay!
Lưu Hắc Thát, Tào Đán xin kéo quân đuổi theo, Hạ Vương phán:
- Cô đã hứa như vậy, nay nếu đuổi theo thì ra bội ước. Thôi thì cô cũng vun đắp thêm danh tiếng cho vị cựu thần trung nghĩa vậy!
Rồi đem châu báu, báu vật trong cung chia thưởng cho quân sĩ, đem quốc bảo, sổ sách giao cho Dũng An công chúa cất giữ, rồi nhân hỏi Tiêu Hậu:
- Nay hoàng hậu muốn về đâu?
Tiêu Hậu thưa:
- Thiếp nay nước mất, nhà tan, chuyện sống chết, vinh nhục, xin nghe theo lệnh đại vương.
Hạ Vương cười không nói gì. Dũng An công chúa đứng cạnh, sợ phụ hoàng lại theo vết xe của Hóa Cập, vội vàng trả lời:
- Nếu như thế, xin để con cùng nương nương đây về Lạc Thọ trước. Một là để mẫu thân đỡ trông ngóng, hai để đại quân dẫu có chậm về ít nhiều cũng không sao.
Hạ Vương vui mừng bằng lòng:
- Công chúa bàn đúng lắm! Ngày mai hãy dẫn hai vạn binh mã, cùng với Tào Nạp ngôn về Lạc Thọ trước.
Tối hôm ấy Tiêu Hậu mời Dũng An công chúa nghỉ lại trong cung. Sáng sớm hôm sau, Tào Đán đã lĩnh binh mã chờ sẵn, Tiêu Hậu thì đã theo Hàn Tuấn Nga, Nhã Nương, La La, Tiểu Hỉ, bốn cung nữ vừa ý nhất, lên kiệu vàng, còn Dũng An công chúa cũng tuyển trong đám cung nữ khoảng hai ba chục nữ binh khỏe mạnh, năm sáu mỹ nhân lanh lợi, rồi lên đường.
Chính là:
Bụi mịt mùa ngựa hí vang
Đoàn quân chiến thắng, rộn ràng khai ca.
Chỉ một ngày đã về tới Lạc Thọ, tiêu mã vội báo công chúa về triều, Tào Hậu sai Lăng Kính ra ngoài thành đón rước. Lăng Kính để Tiêu Hậu ở ngay quán dịch, Dũng An công chúa cùng Tào Đán vào thành ra mắt Tào Hậu. Công chúa đem quốc bảo, giấy tờ của nhà Tùy trình lên Tào Hậu, lại gọi cả bọn cung nô, mỹ nữ vào bái lạy, Tào Hậu cả mừng. Công chúa lại nói thêm:
- Tiêu Hậu hiện đang để ở ngoài quán dịch, xin để mẫu thân tùy ý định đoạt.
Tào Hậu phán:
- Cái con hồ ly già ấy làm cho nhà Tùy mất cả thiên hạ, đi làm vợ khắp người ta, còn mang về đây làm gì?
Lăng Kính thưa:
- Chúa công chẳng bao giờ lại làm như Hóa Cập, cho nên mới đưa về đây Hoàng hậu nên lấy lễ mà tiếp, đợi chúa công về, thần đã có chỗ đưa Tiêu Hậu đi vậy.
Công chúa nói:
- Lăng đại phu nói đúng lắm!
Tào Hậu tiếp:
- Nếu đã như thế, bày yến tiệc ở trong cung rồi nói rằng ta bị đau chân vẫn chưa khỏi, không thể ra đón, chờ Tiêu Hậu vào cung.
Lăng Kính nghe xong, liền ra trạm dịch thưa với Tiêu Hậu:
- Quốc mẫu vẫn định ra nghênh tiếp nương nương, nhưng vì chân đau chưa khỏi, sai thần ra trình rõ, xin loan giá vào cung gặp gỡ.
Tiêu Hậu lên xe loan, nghĩ lại buổi sinh thời Dượng Đế, trăm quan cung nữ theo hầu, nay trơ trọi mấy người, không ngăn nổi thương tâm. Chẳng mấy chốc, đã vào tới cung. Dũng An công chúa thay mặt mẫu hậu ra cửa đón. Tào Hậu đội mũ phượng, tóc tết hình rồng, áo phượng cổn, diện mạo đường đường, đoan trang chững chạc, chẳng chút yểu điệu thướt tha, cũng chẳng lưng ong thắt đáy, bốn cung nữ theo hầu xuống thềm đón Tiêu Hậu lên điện. Tào Hậu mời Tiêu Hậu ngồi lên trên, làm lễ lạy chào, nhưng đời nào Tiêu Hậu dám nhận, chối từ ba bốn bận, rồi lấy lẽ chủ khách mà chào hỏi, tả hữu mời vào chỗ ngồi. Tiêu Hậu cùng Tào Hậu, Dũng An công chúa vào cung Long An, đã thấy tiệc rượu bày đầy vẻ hoa mỹ. Tào Hậu nâng chén, nói với Tiêu Hậu:
- Ở chốn lều tranh cỏ rậm, khác nhiều so với nơi xe loan lầu ngọc, may được lưu xe phượng, thực là vinh hạnh.
Tiêu Hậu đáp:
- Gặp bước thảm thương, đành theo đuổi kẻ khác, được thượng quốc đưa về đây thực đã là may mắn, lại được khoản đãi thế này, thực đã nở nang mày mặt.
Mọi người ngồi yên chỗ, rượu được ba tuần, Tào Hậu hỏi Tiêu Hậu:
- Giữa Đông Kinh với Tây Kinh, nơi nào đẹp hơn nơi nào?
Tiêu Hậu đáp:
- Tây Kinh thì được cái quy mô to rộng, nhưng cảnh không tao nhã. Đông Kinh không những cung các hoa lệ, mà lại hơn có Tây Uyển, hồ, biển, núi đều có. Mười sáu viện quanh co uốn lượn lầu các liên tiếp, bốn mùa lúc nào phong cảnh cũng đẹp.
Tào Hậu nói:
- Được nghe những chuyện nhã nhạc, ca múa, cắt lụa làm hoa, có lẽ vì thế mà nương nương đây có làm nhiều thơ từ tuyệt diệu chăng?
Tiêu Hậu thưa:
- Phần lớn đều do các phu nhân ở mười sáu viện làm, thiếp cùng tiên hoàng chẳng qua chỉ bình duyệt vậy thôi.
Tào Hậu lại phán:
- Đã từng được nghe kể về khúc "Thanh dạ du" trên ngựa đàn hát, đóng giả Chiêu Quân, Quan âm, dưới nguyệt đài đua ngựa, thật đúng là hàng nghìn năm cũng không có được vị đế vương nào được vui chơi sung sướng đến thế.
Hàn Tuấn Nga đứng ở phía sau đỡ lời thưa:
- Đêm ấy nhân nương nương thích ý, tiên hoàng sai chọn ngựa đưa vào cung rất nhiều, làm một cuộc du ngoạn đê trăng, thật là lần vui chơi ít có.
Tào Hậu lại hỏi:
- Người này là ai?
Tiêu Hậu đáp:
- Người này là Hàn Tuấn Nga, người này là Nhã Nương, nguyên đã từng được ban hiệu mỹ nhân, còn đây là La La, Tiểu Hỉ, đều theo hầu từ thuở nhỏ.
Tào Hậu hỏi Tuấn Nga:
- Các người dạo ấy có bao nhiêu mỹ nhân?
Tuấn Nga đáp:
- Chu Quý Nhi, Viên Bảo Nhi, Tiết Dã Nhi, Hạnh Nương, Thỏa Nương, với tiện thiếp cùng Nhã Nương đây, về sau thêm Giáng Tiên, cùng Nguyệt Tân.
Tào Hậu lại hỏi:
- Hạnh Nương vì việc đoán chữ mà bị giết chết, Chu, Viên vì mắng giặc mà quên thân, còn những người khác?
Nhã Nương thưa:
- Thỏa Nương thì bị Vũ Văn Trí Cập bức bách, nhảy xuống hồ mà chết.
Tào Hậu cười:
- Người này cùng với Chu, Viên, có lẽ quá ngu si chăng. Sống ở trên đời, như cỏ chỉ có một mùa, sao không như hai người, cứ theo nương nương đây, mặc sa vào đâu cũng được, miễn là sung sướng, việc gì khổ sở đến quên thân như thế?
Tiêu Hậu vẫn nghĩ rằng Tào Hậu cùng địa vị với mình nên không chú ý. Dũng An công chúa mới cất tiếng hỏi:
- Còn có một mỹ nhân biết múa kiếm thì đi đâu?
Tuấn Nga thưa:
- Đó là Tiết Dã Nhi. Dã Nhi cùng năm vị phu nhân, thêm cả Triệu Vương, đã bỏ trốn trước một ngày, vẫn không biết là theo hướng nào.
Tào Hậu gật đầu:
- Năm vị phu nhân này dẫn theo Triệu Vương, đúng là những người hiểu biết vậy.
Lại hỏi Tiêu Hậu:
-- Thuở tiên đế còn trong ngự uyển, nghe nói tuy cùng phu nhân mười sáu viện rất yêu thương, nhưng đêm đến bao giờ cũng về với chính cung hoàng hậu phải không? Nếu đúng thế thì thật là phu phụ gắn bó keo sơn vậy!
Tiêu Hậu đáp:
- Trong một tháng, bao giờ cũng có khoảng bốn năm đêm ở lại trong các viện.
Tào Hậu lại hỏi:
- Nương nương quả là đã lấy sợi gấm mà buộc chân tiên đế vậy, ép tiên đế phải đem Ngô Giáng Tiên đày ra Nguyệt Quan, Viên Bảo Nhi vào Mê Lâu, chuyện này có không?
Tiêu Hậu trong lòng thầm nghĩ: "Đây là những chuyện trong cung cấm ngày xưa, làm sao mà mãi tận đây cũng biết rõ ràng đến thế. Chi bằng cứ chối phắt đi là hơn cả". Rồi đáp:
- Thiếp đối đãi với cung nữ rất rộng rãi, làm gì có những chuyện đó.
Tào Hậu cười:
- Hiện có người làm chứng, hãy để ta gọi ra, xem đúng hay sai nào.
Rồi sai cung nữ vào gọi, lát sau, một cung nữ khoảng mười lăm mười sáu lạy chào Tiêu Hậu, Tiêu Hậu nhìn kỹ, thì ra là Thanh Cầm, cung nữ của Viên Tử Yên, vội gọi ngay lại gần mà hỏi:
- Ta đã sai ngươi theo hầu Viên Tử Yên, sao ngươi lại ở đây?
Công chúa đỡ lời:
- Thanh Cầm vốn người phương Nam, một lần Tuyến Nương này đang ruổi ngựa trên đường bắt gặp, biết là cung nữ nhà Tùy, lại thấy lanh lợi, cho nên đem về theo.
Tào Hậu lại cười chỉ La La hỏi:
- Chỉ có con bé này là giữ đúng phép tắc của nương nương thôi. Tiên đế định ân ái, nó nhất định từ chối. Tiên đế phải làm thơ ban cho nó, mấy câu thơ tuyệt diệu này, nương nương còn nhớ chăng?
Tiêu Hậu đáp:
- Thiếp vẫn nhớ!
Nhân đó liền đọc:
Đong đưa đôi mắt sóng lao xao
Phấn sáp tô nên nét diễm kiều
Những muốn dẫn khanh vào mộng đẹp
Tần ngần khanh chối, ý là sao
Tào Hậu nghe xong liền than:
- Lời cùng ý đều đẹp, tiên đế rõ thật là giống đa tình vậy?
Dũng An công chúa nói:
- Thế còn Ngô Giáng Tiên nữa, bây giờ ở đâu?
Tuấn Nga thưa:
- Giáng Tiên nghe tin tiên đế bị nạn, liền cùng Nguyệt Tân thắt cổ tự tử ở trong Nguyệt Quan.
Dũng An công chúa lại hỏi:
- Mười sáu vị phu nhân, mới đi được năm vị, còn các vị khác ở đâu cả?
Nhã Nương thưa:
- Hoa phu nhân, Tạ phu nhân, Khương phu nhân đều thắt cổ tự tử. Lương phu nhân cùng Tiết phu nhân không chịu theo Hóa Cập nên bị giết chết. Giang phu nhân ở Hòa Minh viện, La phu nhân ở Nghênh Huy viện, Giả phu nhân ở Giáng Dương viện, sau loạn cũng chẳng biết đi đâu. Nay chỉ còn lại Phàn phu nhân ở Tích Chân viện, Dương phu nhân ở Minh Hà viện, Chu phu nhân ở Thần Quang viện, đều hiện ở cung Liêu Thành.
Tào Hậu cảm khái than:
- Cả một tòa giang sơn gấm vóc như thế, mà bị mấy con ở này làm hỏng nát cả. Cũng còn may, có kẻ tử tiết, có kẻ quyên sinh, để báo đền tri kỷ, cũng an ủi được phần nào vong linh tiên đế ở dưới dạ đài.
Lại hỏi Tiêu Hậu:
- Ba vị phu nhân ở lại Liêu Thành, sao không cùng nương nương đi chuyến này luôn?
Tuấn Nga đỡ lời:
- Không hiểu vì sao các phu nhân không chịu đi?
Dũng An công chúa cười đáp:
- Mỗi người ôm một cây tì bà, cần gì phải một cây đàn ba người hát theo nữa?
Lúc này Tiêu Hậu bị hai mẹ con Tào Hậu, câu nhanh câu chậm, câu xoa câu chém, khích bác hết lời này sang chuyện khác, chẳng biết chống đỡ thế nào cho được, chỉ đành ngồi trơ mặt, cãi liều vài câu:
- Hoàng hậu cùng công chúa ở chỗ không thấu hiểu hết. Thiếp đây cũng không phải phường tham sống sợ chết, chỉ bởi đêm ấy, nghịch tặc xông vào cung, thình lình sinh biến lớn, thây chất máu loang đầy đất, tiên đế nằm ngang trên giường đệm, Chu, Viên thì thây dựa vào lan can. Nếu không có thiếp chủ trì, lấy ván trầm hương của mấy giường chạm, đóng tạm làm quan tài, trước tiên là khâm liệm tiên đế, thu dọn tươm tất, nếu không thì làm sao tránh khỏi cảnh vương vãi thối rữa, rồi cũng chẳng thể tưởng cuối cùng ra sao!
Tào Hậu nói:
- Đó chính là việc của mẫu hậu triều đình vậy, ta cũng hiểu được chủ ý này của nương nương, không thèm học theo bọn thất phu, thất phụ, chết vùi nơi ngòi rãnh, mà vẫn còn mong giữ được sự tế tự của nhà Tùy, lập người nối nghiệp để nhà Tùy không đến nỗi tuyệt diệt.
Tiêu Hậu thấy Tào Hậu nói thế, liền thêm.
- Lời của hoàng hậu, thật là thấu hiểu lòng cho thiếp vậy!
Tào Hậu lại tiếp:
- Nghĩ như vậy thì thật đúng quá. Nhưng không hiểu tại sao, khi bọn phản thần đã lập Tần Vương Dương Hạo làm vua, chẳng được bao lâu lại còn đánh thuốc độc cho chết. Lúc bấy giờ, nương nương với phản thần tình sâu ý dậm, sao không nói ột lời giải cứu, là duyên cớ làm sao?
Tiêu Hậu đáp:
- Lúc ấy thì kẻ vị vong này tính mệnh trong tay bọn giặc, dẫu có nói cũng chẳng cứu được ai nào!
Tào Hậu cười!
- Ba chữ "vị vong nhân" đáng ra không nên nói. Là "vị vong nhân" của họ Tùy, hay "vị vong nhân" của họ Vũ Văn? 1
Nói đến đây, Tiêu Hậu chỉ còn cách ôm mặt mà khóc, khiến Tuấn Nga, Nhã Nương cũng không ngăn nổi buồn thổn thức. Giữa lúc không biết nên như thế nào, thì thấy cung nhân vào thưa:
- Chúa công đã về tới nơi, xin mời hoàng hậu ra nghênh giá.
Tào Hậu nói với Tiêu Hậu:
- Vốn muốn giữ nương nương lại cùng trò chuyện, nhưng vì chúa công đã về, mời nương nương tạm nghỉ ở nhà riêng Lăng đại phu, ngày mai xin lại được gặp mặt.
Lệnh tiễn Tiêu Hậu lên loan, về nhà Lăng Kính. Chưa biết sự việc về sau ra sao, hãy chờ hồi sau phân giải.--------------------------------
1"Vị vong nhân": người chưa chết, người đàn bà thủ tiết với chồng tự xưng. "Bỗng dưng mà lại ra người vị vong" (Cung oán ngâm khúc). Họ Vũ Văn: Họ kép, cũng có lúc gọi Hứa, nhà Hứa, vì được phong Hứa Quốc Công.