Đăng vào: 12 tháng trước
Sau khi Lâm Uyển quay về, mấy đêm liền gặp ác mộng.
Trong mơ đều là khuôn mặt đầy máu của Tấn Trừ, hắn không ngừng hỏi nàng, tại sao muốn gϊếŧ hắn.
Mỗi khi tỉnh lại trong cơn ác mộng, cả người nàng đầy mồ hôi lạnh, trống ngực đập thình thịch.
Đào Thị thương nàng, có lòng mang cung hương bách hợp năm ngoái trong cung ban thưởng vào phòng nàng, sai người mỗi đêm đều đốt, hi vọng nàng có thể ngủ yên.
Lâm Uyên cũng sợ mình rơi vào sầu muộn, ban ngày hoặc là thêu khăn voan, hoặc là ra sân ngắm tuyết rơi, cố gắng di dời lực chú ý, ép mình không nghĩ thêm về chuyện ngày ấy nữa.
Cũng may mấy ngày qua đi, cuối cùng nàng cũng bình tĩnh lại từ sự kiện kia, ban đêm cũng có thể yên gối đến bình minh mà không gặp ác mộng liên tục nữa.
Ngày ấy Xuân Hạnh bị cảm lạnh lại bị hoảng sợ, sau khi về thì nhức đầu phát sốt, cổ họng sưng đau, đến nay còn chưa khỏe hẳn.
Nhắc tới chuyện ngày ấy, Xuân Hạnh cũng sợ không thôi. Lúc đó ở trong kiệu, nàng ấy lờ mờ cảm thấy sai sai, nàng sai người dừng kiệu, nhưng không ngờ, kiệu phu lại tăng nhanh bước chân, càng đi càng nhanh, lúc đó nàng bị dọa đến mất hồn mất vía. Vừa vén màn kiệu muốn gọi người cứu mạng, không ngờ sau gáy đau xót, bị người ta đập hôn mê bất tỉnh tại chỗ.
Đợi đến khi được người của Giang phủ đưa về, nàng mới biết đã xảy ra chuyện gì.
"May là cô nương không sao."
Đến tận hôm nay, Xuân Hạnh vẫn nghĩ lại mà sợ.
Nàng không dám tượng tưởng, nếu cô nương thật sự bị Tấn thế tử cường bạo, vậy thì trong một đêm, từ đầu đường cuối ngõ trong Kinh thành, lời đồn đại về cô nương sẽ điên cuồng như thế nào. Nếu đến lúc đó, chỉ sợ Trường Bình Hầu phủ cũng sẽ long trời lở đất.
"Sự việc đã qua rồi. Bây giờ ngươi cứ an tâm dưỡng bệnh, năm sau còn có nhiều việc cần đến ngươi."
Xuân Hạnh lên tinh thần, hăm hở gật đầu.
*
Trong tiếng pháo giao thừa. Tân xuân Vĩnh Xương năm thứ mười lăm không có gì khác so với mọi năm.
Đốt pháo, đưa thiếp chúc, trong cung ban thưởng cờ phướn.
Y như trước đây.
Nếu nói là có gì khác, thì đó chính là vì hôn sự của tam cô nương quý phủ sắp tới, từ trên xuống dưới đều bắt đầu tất bật chuẩn bị.
Thái thái đương gia vô cùng bận rộn, không chỉ phải kiểm kê các món của hồi môn, còn phải sai người mời ma ma trong cung đến chỉ dạy lễ nghi ngày hôn lễ cho tam cô nương. Lâm Hầu gia và mấy vị công tử trong phủ cũng không nhàn rỗi, phải viết thiệp mời, sau đó chọn một ngày tốt gửi đi, rồi phải sắp xếp thủ tục tiệc rượu của ngày hôn lễ.
Đông qua xuân tới, vạn vật hồi sinh.
Dường như những ngày sau năm mới trôi qua rất nhanh, không kịp đong đếm, nháy mắt đã đến tháng ba cỏ mọc chim bay.
Mặc dù Kinh thành tháng ba không muôn hồng nghìn tía bằng Giang Nam, nhưng cũng là cỏ cây xanh um, vạn vật thay áo.
Mùng mười tháng ba Vĩnh Xương năm thứ mười lăm, là ngày hoàng đạo hiếm có, thích hợp cưới gả, tế bái, cầu phúc, cầu con, lập đàn cầu cúng, mọi việc đều thuận.
Phù Cư Kính khoác cầu hoa đỏ thẫm ngồi trên lưng ngựa, thỉnh thoảng chắp tay với những người xem náo nhiệt hai bên đường. Khuôn mặt xưa nay cứng nhắc nghiêm túc cũng thêm vài phần ôn hòa nhân ngày vui mừng này.
Phía trước là chiêng la gõ dẹp đường, phía sau là kiệu hoa đỏ rực tám người khiêng, hai bên có nhạc sư thổi kèn, cả đường náo nhiệt đến Trường Bình Hầu phủ.
Không ít bách tính cũng đi theo đội ngũ đón dâu, vui vẻ nhất không ai khác chính là đám trẻ con hồn nhiên, bởi vì gia đình lớn có chuyện vui, không thiếu được việc phân phát kẹo mừng quả mừng, đây chính là thứ tốt mà gia đình bình thường ít thấy trong năm.
Trường Bình Hầu phủ giăng đèn kết hoa, vui mừng hân hoan.
Phù Cư Kính xuống ngựa, dựa theo tập tục, sau khi mở kiệu thì phải đón tân nương.
"Tân nương tử ra ngoài rồi!"
Theo tiếng hô chẳng biết của ai, đã thấy trong cửa ô đầu ba cánh của Trường Bình Hầu phủ, Thế tử Hầu phủ cõng tân nương tử vận giá y đỏ thẫm đi ra, hai bên là thái thái đương gia và mấy thiếu phu nhân của quý phủ, vừa liên tục lau nước mắt, vừa tha thiết dặn dò tân nương tử.
Tân nương tử mũ phượng khăn trùm, đầy hoa sen đỏ, sau khi khóc gả xong, được đại ca nàng cõng lên kiệu hoa.
"Con cái vu quy, nghi gia nghi thất. Ngày sau phải hiếu kính cha mẹ chồng, giúp chồng dạy con, làm tốt bổn phận người vợ."
Trước khi khởi kiệu, Lâm Hầu gia trịnh trọng căn dặn.
Lâm Uyển gật đầu: "Phụ thân dạy bảo, nữ nhi ghi nhớ."
Theo tiếng khởi kiệu, tân lang bái biệt nhạc gia, lên ngựa xong thì bảo chiêng la mở đường. Kiệu hoa nâng lên, trong tiếng kèn trống vui mừng, đi về hướng Ngự sử phủ.
Đợi đội ngũ đón dâu rời đi, quản sự Hầu phủ đi ra tung tiền mừng cho dân chúng xung quanh, phân phát kẹo mừng quả mừng, khung cảnh náo nhiệt hân hoan.
Nhóm người Lâm Hầu gia quay về phủ tiếp đãi tân khách. Hôm nay khách khứa đầy nhà, lại có không ít trọng thần triều đình, tuyệt đối không được sơ suất.
Đội ngũ đón dâu cả đường kèn trống, hồng trang mười dặm theo sau, mênh mông choáng ngợp, khung cảnh quả thật rất khí thế.
Nhưng ngay khi kiệu lớn tám người khiêng vững vàng bước lên cầu, đội ngũ kèn trống mở đường phía trước lại đột nhiên dừng lại. Cho nên, tân lang cưỡi ngựa và tân nương tử trong kiệu phía sau không thể không dừng lại ở giữa cầu.
Đội ngũ phía sau chẳng biết đã xảy ra chuyện gì, không khỏi xì xào bàn tán.
Nhưng những người gõ chiêng mở đường đằng trước cùng với tân lang ngồi trên cao lại nhìn thấy rõ ràng, hóa ra là một đám công tử ca cẩm y hoa phục đúng lúc đang đánh ngựa qua. Bọn họ thấy đội ngũ đón dâu cũng không thèm tránh, coi như không thấy mà cưỡi ngựa lên cầu, vừa vặn chặn đường bọn họ.
Cầu kiều trước nay xây rộng rãi lại bằng phẳng, vì để tiện cho xe ngựa qua lại, lúc bình thường, dù là ba chiếc xe ngựa đi qua cũng vừa.
Nhưng đám người cưỡi ngựa trước mặt kia lại không chịu lần lượt đi hàng hai hàng ba, mà lại cười đùa lên cầu cả một lượt, chặn kín lối đi.
Lại trông trên đầu bọn họ quấn vải trắng, cầm quạt trắng trong tay, lại mặc cẩm y hoa phục, nét mặt lại cười đùa ầm ĩ, rõ ràng không phải là đi đưa linh cữu, mà là cố ý mang vận xui đến cho người ta.
Phù Cư Kính phóng tầm mắt nhìn, y đã nhìn quen mắt đám công tử ăn chơi trác táng ở kinh thành, chỉ riêng những kẻ y từng vạch tội thì đã có non nửa rồi.
Tháng trước, y còn từng tố cáo đám người do Tấn thế tử cầm đầu tội đánh nhau gây rối, chắc là đám con cháu quyền quý này không cam lòng, cố ý đợi đến ngày vui hôm nay của y mà tìm tới gây chuyện.
Phù Cư Kính không ngờ đám công tử này lại dám cả gan làm loạn. Thân là Ngự sử, ngay cả trọng thần đương triều y cũng từng buộc tội rồi, đương nhiên không sợ sự trả thù gây hấn của mấy kẻ công tử này, chỉ là bọn họ cố ý chọn ngày này đến tìm y gây chuyện, quả là làm người ta tức giận.
Tức thì, y chỉ vào đám người phía trước, lạnh lùng nói: "Dưới chân thiên tử, há lại dung thứ cho các ngươi làm càn như vậy! Đợi ta bẩm lên Thánh thượng, nhất định phải tố các ngươi tội gây chuyện khiêu khích!"
"Phù Ngự sử nói vậy là sao?"
Tiếng chỉ trích của Phù Cư Kính vừa dứt, lại nghe một giọng nói lười biếng vang lên từ trong đám người đối diện.
Y giương mắt sắc bén nhìn lại, chỉ thấy đám công tử ca dẫn đầu đột nhiên đánh ngựa hướng ra ngoài nhường đường, sau đó một công tử ca mặc cẩm phục chậm rãi cưỡi ngựa tiến lên, dung mạo tuấn lãng phi phàm, nhưng thần thái phóng túng biếng nhác, trong ngực còn ôm hai con gia cầm với bộ lông lộng lẫy, đang ngậm cười nhìn y.
Người này không phải là Tấn thế tử ăn chơi tiếng tăm lừng lẫy kinh thành thì là ai!
"Quan uy của Phù Ngự sử thật lớn." Tấn Trừ nhướn mí mắt nhìn y, dáng vẻ thong dong: "Ta đang yên đang lành qua cầu, tại sao Phù Ngự sử lại tự dưng định thành tội danh gây chuyện khiêu khích rồi."
Công tử ca bên cạnh lên tiếng đáp lại: "Đúng vậy, cho dù là cận thần thiên tử, cũng không thể ăn nói bịa đặt, tùy ý đặt điều tội trạng cho người ta được!"
Phù Cư Kính chỉ đành tạm thời kiềm chế cơn tức, thương lượng: "Là Phù mỗ nói năng không phải. Chỉ là hôm nay là đại hôn của Phù mỗ, đội ngũ đón dâu đến đây, bị cản giờ lành, chẳng hay cảm phiền chư vị nhường đường một chút được không?"
Ánh mắt Tấn Trừ khó khăn liếc qua kiệu lớn tám người khiêng sau lưng tân lang, sau đó buông mí mắt, lại im lặng không lên tiếng, chỉ giơ tay chậm rãi vuốt ve con gia cầm trong lòng.
Công tử ca bên cạnh không bỏ qua: "Phù Ngự sử làm hỉ sự muốn kịp giờ lành, đương nhiên là chúng ta hiểu, nhưng không khéo là, bây giờ Tấn thế tử chúng ta phải làm tang lễ, vậy cũng phải xin giờ lành! Phù Ngự sử, ngài cũng phải thông cảm cho chúng ta!"
Có người khác tiếp lời, nói: "Đúng vậy, Ngự sử đại nhân, xưa nay đỏ trắng đụng nhau, luôn phải là hôn sự nhường tang lễ, nào có đạo lý ngược lại? Các người nói xem, điều này có lý hay không?"
"Đúng vậy đúng vậy, kẻ mất là trên hết mà."
Phù Ngự Sử nghe bọn họ nói năng đâu vào đấy còn kinh ngạc, ánh mắt không khỏi nhìn lên mảnh vải trắng buộc trên đầu Tấn thế tử, chẳng lẽ là trưởng bối nào của hắn mất?
Nghĩ như vậy, y chắp tay với Tấn Trừ, hỏi một câu: "Thứ cho Phù mỗ mạo phạm muốn hỏi, không biết là vị tiền bối nào của Thế tử về cõi tiên?"
Động tác vuốt ve của Tấn Trừ ngừng lại.
Hắn từ từ ngước mắt nhìn về phía Phù Cư Kính, nhưng lại trực tiếp lướt qua y, tựa như nhìn về phía sau, lại tựa như nhìn nơi chân trời xa xăm.
"Tiểu uyên ương nhà ta bất hạnh ra đi. Trong lòng ta không đành lòng, nên muốn đi đưa tiễn. Dầu gì cũng hết lòng nuôi dưỡng, dù thế nào cũng nên có cái lễ truy điệu."
Ánh mắt Tấn Trừ chậm rãi dừng trên người tân lang, hơi lướt qua cầu hoa đỏ rực trước người y. Sau đó hắn ngước mắt nhìn khuôn mặt cau mày thật sâu mà có vẻ cứng nhắc, chậm rãi cười nói: "Không ngờ lại đúng lúc trùng giờ đại hỉ của Phù Ngự sử. Nhưng mong Ngự sử đại nhân có thể thông cảm một hai, dù sao..."
Ánh mắt hắn hạ xuống, thở dài, giơ tay vuốt ve gia cầm trong lòng: "Kẻ mất là trên hết mà."