Đăng vào: 12 tháng trước
Nghiêm giám sinh hấp hối cứ giơ hai ngón tay ra ngoài, không chịu tắt thở. Mấy đứa cháu trai và người nhà cứ bàn tán gạn hỏi không hiểu ý Nghiêm muốn nói cái gì. Người thì cho là hai người, người cho là hai việc, người lại nói hai mảnh ruộng. Mỗi người nói một cách, nhưng y cứ lắc đầu hoài. Triệu thị lách vào chạy đến trước mặt nói:
- Ông ơi chỉ có tôi mới hiểu ý của ông thôi. Trên cái đĩa đèn dầu có hai cái bấc, ông không yên sợ tốn dầu. Tôi gạt một cái bấc đi là được.
Nói xong vội vàng gạt đi một cái bấc. Mọi người xem mặt Nghiêm thì thấy Nghiêm gật đầu, buông tay xuống thở hơi cuối cùng 1. Cả nhà khóc than rối rít, chuẩn bị khâm liệm. Linh cữu để vào gian giữa nhà thứ ba.
Buổi sáng mấy người thầy tớ chạy khắp phố báo tang. Tộc trưởng là Nghiêm Chấn Tiên dẫn mọi người trong họ đến điếu. Họ đều được giữ lại ăn uống và lấy vải tang về. Triệu thị có người em là Triệu Lão Nhị, làm việc trong hiệu bán gạo, người cháu là Triệu Lão Hán làm nghề thụt bễ ở trong hiệu thợ bạc, cũng đem lễ vật đến điếu. Thầy tăng treo trước nhà một cái cờ phan dài, đọc kinh cầu hồn. Triệu thị dẫn con ra trước linh cữu kêu khóc. Bọn tôi tớ, gia nhân, a hoàn đều chịu tang. Cửa nhà cũng quấn vải trắng.
Đến ngày thứ bảy, Vương Đức, Vương Nhân đi thi về đến điếu, ở lại đây một ngày. Ba bốn ngày sau Nghiêm cống sinh cũng thi ở tỉnh về, mấy đứa con đang lo việc tang lễ bên nhà chú em.
Sau khi cởi hành lý, Trí Trung ngồi với vợ, sắp rửa mặt, thì thấy người vú em của Triệu thị đưa một người đầy tớ tay bưng một cái quả hộp và một cái gói đến thưa:
- Thím hai nghe tin bác đã về, nhưng vì có tang không sang được. Nhân có bộ áo quần và mấy lạng bạc là của chú hai dặn đưa biếu bác, và xin bác sang.
Nghiêm cống sinh mở ra xem thì thấy hai cái áo đoạn mới tinh, với hai trăm lạng bạc, trong lòng mừng rỡ, quay lại bảo vợ đưa ra tám phân bạc thưởng cho mụ vú và nói:
- Nhờ nói lại với thím hai tôi có lời cảm ơn. Tôi sẽ sang ngay bây giờ.
Sau khi vú em và người đầy tớ đã đi, y thu áo quần và tiền bạc rồi hỏi vợ thì biết rằng vợ và bọn con đều được quà biếu. Còn cái này thì chỉ dành riêng cho y thôi. Hỏi xong y thay khăn áo, mang một cái áo vải trắng có thắt lưng vải và sang nhà Triệu thị. Đến trước linh cữu, y hô mấy tiếng "chú hai" khàn khàn rồi lạy hai lạy. Triệu thị mang áo tang ra lạy tạ. Lại gọi đứa con ra lạy bác rồi vừa khóc vừa nói:
- Chúng tôi thật khổ! Nhà tôi nửa đường bỏ chúng tôi. Nay cháu hoàn toàn nhờ cậy bác làm chủ!
Nghiêm cống sinh nói:
- Thím hai, người ta ai cũng có số. Chú hai nay quy tiên rồi. Nhưng thím thì đang còn cháu đây, phải lo nuôi nấng nó, buồn làm gì?
Triệu thị cảm ơn mời vào thư phòng ăn cơm, lại cho mời hai cậu đến tiếp.
Một lát hai cậu đến, Vương Đức nói:
- Dượng cháu thường ngày thân thể tráng kiện. Làm sao đột nhiên lại mắc bệnh không dậy được? Chúng tôi chí thân mà không được thấy mặt, thật là rất buồn!
Nghiêm cống sinh nói:
- Nào có riêng gì hai cậu. Ngay tôi là anh em ruột đây mà cũng không thấy mặt trước khi mất! Nhưng xưa đã có câu: "Lo việc công quên việc tư, lo việc nước quên việc nhà". Chúng ta là bọn phải lo việc khoa cử triều đình. Tôi và các cậu phải lo việc triều đình, còn việc tư thì cũng đành sao lãng, vì vậy mà không áy náy gì.
Vương Đức nói:
- Bác ở tỉnh đến nửa năm đấy nhỉ?
Nghiêm cống sinh:
- Vâng! Chỉ vì trước đây ông Chu, làm giám khảo chấm tôi đỗ, có người bà con nhà ở tỉnh, làm tri huyện ở Sào huyện, cho nên tôi lên tỉnh thăm. Không ngờ mới gặp mà như người quen đã lâu, ông ta giữ tôi lại mấy tháng, lại muốn kết thông gia với tôi. Hai ba lần muốn gả cô con gái thứ ba cho thằng hai nhà tôi.
Vương Nhân nói:
- Ông lên tỉnh thì ở nhà ông ta sao?
- Tôi ở nhà ông Trương Tĩnh Trai. Ông ta trước cũng đã làm tri huyện và là cháu của cụ Thang. Tôi biết ông ta khi cùng ăn tiệc ở nhà cụ Thang, cho nên quen nhau. Việc thông gia với nhà cụ Chu đều do ông ta xếp đặt cả đấy.
Vương Nhân nói:
- Có phải ông ta năm nào cùng ông Phạm nào đấy đến huyện không?
Nghiêm cống sinh nói:
- Đúng đấy.
Vương Nhân liếc mắt nhìn anh nói:
- Này anh, anh có nhớ việc họ sinh sự với những người Hồi giáo không?
Vương Đức cười nhạt.
Rượu bưng lên, họ vừa uống vừa nói chuyện, Vương Đức nói:
- Năm nay cụ Thang không chấm thi.
Vương Nhân nói:
- Anh không biết sao? Vì lần trước đây cụ chấm đỗ cử nhân, toàn lấy thứ văn chương cũ rích không hợp thời, cho nên lần này cụ không chấm thi. Năm nay quan trường toàn là tiến sĩ trẻ tuổi, chuyên lấy những người tài giỏi về văn chương.
Nghiêm cống sinh nói:
- Cái đó không phải. Có tài thi cũng phải có phép tắc, nếu mà không theo đầu bài, viết bừa bãi thì tài năng gì! Như ông Chu thầy của tôi thật là người tinh đời. Ông lấy ai hạng nhất là đều những người viết văn có lề lối cả. Năm nay lại cũng những người này đậu thôi.
Nghiêm nói thế vì hai anh em Vương đều bị ông Chu cho đỗ vào hàng thứ hai. Hai người hiểu ý, bèn thôi không bàn nữa.
Tiệc rượu sắp xong, họ lại bàn việc quan ngày trước:
- Cụ Thang đã nổi giận, may mà dượng ấy thu xếp ổn thỏa.
Nghiêm cống sinh nói:
- Đó vì chú hai làm sai! Tôi ở nhà thi chỉ nói với cụ Thang một câu là hai đứa Vương Tiểu Nhị, Hoàng Mộng Thống có gãy đùi cũng chịu thôi! Một người hương thân mà lại để cho bọn bách tính làm bừa bãi như thế à!
Vương Nhân nói:
- Việc gì cũng giữ đạo đức một chút thì phải hơn. Mặt Nghiêm cống sinh đỏ như gấc.
Họ cùng nhau uống mấy chén rượu, thì vú em bế cậu bé vào:
- Thím hỏi bác và hai cậu bao giờ thì chôn? Không biết năm nay hướng mộ phía nào lợi, có nên cùng chôn nơi mộ tổ hay tìm đất khác? Nhờ bác bàn hộ giúp với hai cậu.
Nghiêm cống sinh nói:
- Nhờ nói với thím rằng ta không ở nhà lâu. Ta còn phải lên tỉnh lo đám cưới của thằng hai với con gái cụ Chu. Còn việc của chú ở nhà thì cứ nhờ hai cậu lo liệu. Chôn với tổ tiên thì không được, nên tìm đất khác. Đợi ta về hãy bàn.
Nói xong đứng dậy chào. Hai người kia cũng ra về.
Vài ngày sau quả nhiên Nghiêm đem con thứ hai của mình lên tỉnh. Triệu thị ở nhà trông nom việc nhà. Thật là tiền như núi, gạo đầy kho, tôi tớ đông đúc, trâu ngựa hàng đàn, hưởng phúc sung sướng vô cùng. Không ngờ ông trời không có mắt, không giúp người thiện. Đứa bé lên đậu mùa, thầy thuốc đều bảo mắc chứng nguy hiểm. Thuốc dùng tê giác, hoàng liên, răng người, nhưng không ăn thua. Triệu thị vội vàng chạy đi khấn vái thần phật, nhưng đều vô hiệu. Sáng ngày thứ bảy đứa bé bụ bẫm trắng trẻo kia chết. Triệu thị lần này khóc lóc hơn là lần bà chính mất, còn hơn cả lần chồng chết, khóc đến khi không còn nước mắt. Khóc đến ba ngày ba đêm mới đem chôn. Bảo người nhà mời hai ông cậu đến bàn. Thị muốn lập đứa con thứ năm của Nghiêm cống sinh làm thừa tự. Hai ông cậu chần chừ nói:
- Việc này chúng tôi không thể cả quyết được. Vả chăng ông bác còn chưa về nhà, con là con ông ta, cần phải có ông ta bằng lòng, chúng tôi quyết định sao được.
Triệu thị nói:
- Nhà tôi lại có ít tiền của. Nay đứa con trai của tôi đã mất, tôi lo không có ai làm chủ, việc lập tự là việc không thể hoãn được. Không biết bao giờ thì bác ấy về? Đứa cháu thứ năm ở cạnh nhà năm nay mười hai tuổi, nếu tôi lập tự cháu ấy thì ai cũng chắc tôi chăm sóc lo lắng cho cháu chu đáo. Mẹ của nó nghe nói thế chắc cũng kí cả hai tay. Khi bác về chắc cũng không nói năng gì. Các cậu sao lại không giúp được?
Vương Đức nói:
- Thôi được, chúng tôi cũng qua nhà nói hộ một chút.
Vương Nhân nói:
- Sao anh lại nói thế, việc lập tự là việc hệ trọng, chúng ta là người họ ngoại, thì quyết định cái gì? Nay nếu cô lo gấp như vậy thì hai người chúng ta sẽ viết ít chữ, cô có thể nhờ người đi ngay đêm nay lên tỉnh đưa cho ông ta để ông ta về bàn.
Vương Đức nói:
- Như thế thì tốt nhất! Sau này ông ta có về thì không nói vào đâu.
Vương Nhân lắc đầu nói:
- Anh nói thế để rồi xem!... Nhưng không có cách gì khác.
Triệu thị nghe nói không biết làm thế nào, chỉ có cách viết một phong thư nhờ người nhà là Lai Phú đi ngay đêm lên tỉnh mời Nghiêm cống sinh.
Lai Phú lên tỉnh hỏi chỗ ở của Nghiêm, thì biết y ở đường Cao Để. Đến nơi thì thấy bốn năm người đội mũ đỏ tay cầm roi đứng ngoài cửa. Lai Phú sợ quá, không dám vào. Đứng một hồi thấy người đầy tớ của Nghiêm là Tứ Đẩu Tử đi ra đưa y vào. Đi vào trong nhà thấy một cái kiệu gấm, bên kiệu có để một cái tàn, ở trên có một cái thiếp trên đề chức vụ của Nghiêm. Tứ Đẩu Tử vào mời Nghiêm ra. Nghiêm đầu đội mũ sa, mình mặc áo lễ, chân đi giày đen đế trắng.
Lai Phú đến trước cúi đầu đưa thư.
Nghiêm nhận thư xem xong nói:
- Ta biết rồi! Nhưng cậu hai của ta hiện nay có việc vui, mày hãy cứ ngồi đợi đây đã.
Lai Phú xuống bếp, thấy ở dưới bếp người ta đang lo dọn tiệc. Phòng cô dâu ở trên lầu trang hoàng màu xanh, màu lục. Lai Phú không dám lên. Đợi đến lúc mặt trời xế về tây, cũng không thấy một người thổi sáo nào đến. Cậu hai đầu đội mũ vuông mới, mặc áo hồng, trên đầu cài hoa, đi đi lại lại, xem bộ nóng ruột. Cậu hỏi bọn thổi sáo sao không ai đến cả. Nghiêm ngồi trong phòng khách gọi Tứ Đẩu Tử mau mau đi gọi bọn thổi sáo đến, thì Tứ Đẩu Tử nói:
- Hôm nay là ngày tốt. Có nhiều đám cưới cho người ta tám đồng cân bạc, họ cũng không đi. Ông chỉ cho họ có hai đồng cân bốn phân lại bớt họ đi hai phân, rồi bảo phủ Trương bắt họ đến, thì đời nào họ lại đến. Không biết hôm nay họ đang đi thổi ở những nhà nào? Bây giờ tìm làm sao họ đến được?
Nghiêm nổi giận nói:
- Đồ chó! Mầy đi ngay! Về mà chậm tao vả vào mặt!
Tứ Đẩu Tử bước ra càu nhàu:
- Từ sáng đến giờ, không cho ăn một miếng cơm! Khéo bày trò thối tha!
Nói rồi, lại đi.
Đến khi đèn thắp rồi vẫn chưa thấy Tứ Đẩu Tử trở về. Người rước kiệu cô dâu và những người mang mũ đen, viền đỏ lại giục giã cuống quýt.
Ở trong nhà khách có người nói:
- Thôi bất tất phải đợi người thổi sáo! Giờ tốt đã đến ta đi đón cô dâu đi thôi.
Và phe phẩy cái quạt đứng dậy. Bốn người đội mũ đen viền đỏ đi đầu. Lai Phú chạy theo kiệu đến nhà họ Chu. Nhà khách của Chu rất lớn, tuy đèn lồng đã thắp nhưng ngoài sân vẫn còn tối mò mò. Ở đây vẫn không thấy người thổi sáo đâu cả. Chỉ thấy bốn người đội mũ đen viền đỏ, gọi nhau trong bóng tối giữa sân. Lai Phú thấy thế, bảo họ thôi gọi nhau.
Trong nhà ông Chu có người ra nói:
- Nhờ thưa với ông Nghiêm, chưa có kèn trống thì kiệu chưa đi, có kèn trống thì kiệu mới đi.
Đang lúc ồn ào thì Tứ Đẩu Tử đưa ban nhạc hai người đến. Một người thổi tiêu, một người đánh trống, đánh và thổi lộn xộn chẳng thành âm điệu gì. Người nghe nhịn cười không được. Nhà họ Chu ồn ào một hồi, nhưng rồi cũng đành để cho cô dâu đi. Cô dâu về nhà trai, việc không cần nói nữa.
Sau mười ngày, Nghiêm gọi Lai Phú và Tứ Đẩu Tử thuê hai chiếc thuyền đi Cao Yếu. Thuyền này là thuyền của người thuộc huyện Cao Yếu. Thuê hai thuyền lớn, giá bạc là mười hai lạng, đến nơi mới trả tiền. Một thuyền cho cô dâu, chú rể. Một thuyền thì Nghiêm ngồi. Nghiêm chọn ngày tốt từ biệt thông gia lại mướn cái bài chữ vàng "Sào huyện chính đường", một cái bài "túc tĩnh", "hồi tị" 2 bằng phấn trắng, bốn cái dáo giắt ở trên thuyền. Lại còn gọi một bọn nhạc đánh thanh la, mang lọng, cử nhạc để tiễn xuống thuyền. Người chèo thuyền sợ sệt, hết lòng lo săn sóc, suốt dọc đường không dám nói năng gì.
Hôm ấy sắp đến huyện Cao Yếu, cách chừng hai ba mươi dặm, Nghiêm cống sinh ngồi trên thuyền, đột nhiên đầu quáng mắt hoa, miệng mửa ra toàn đờm xanh. Lai Phú và Tứ Đẩu Tử mỗi người một bên vực dậy. Nghiêm chỉ sợ ngã nói:
- Chết mất! Chết mất!
Nghiêm bảo Tứ Đẩu Tử nấu cho y một ít nước nóng và để y nằm xuống. Tứ Đẩu Tử vội vàng nấu nước với mấy người chèo thuyền, rồi đem nước vào khoang thuyền. Nghiêm cống sinh lấy chìa khóa mở rương lấy độ hơn mươi miếng kẹo hạt đào, ăn mấy miếng, rồi bóp vào bụng, đánh rắm hai cái, rồi thấy khỏe ngay. Còn một ít kẹo để sau khoang hồi lâu không ngó đến. Người lái quá thèm, tay trái giữ lái, tay phải lấy từng miếng một bỏ vào miệng. Nghiêm giả vờ không thấy.
Một lát thuyền đến bến, Nghiêm bảo Lai Phú gọi ngay hai kiệu đến để đưa cậu hai và cô dâu về nhà trước. Lại gọi những người ở bến mang rương hòm lên và đem tất cả hành lý lên bờ. Chủ thuyền và mấy người chèo thuyền đến đòi tiền thưởng. Nghiêm quay lại vào thuyền, giương mắt nhìn quanh một lượt, và hỏi Tứ Đẩu Tử:
- Thuốc của tao ở đâu rồi?
- Thuốc nào?
- Cái thuốc tao vừa ăn xong, rõ ràng là để ở mạn thuyền, đầu lái!
Người lái thuyền nói:
- Có phải mấy miếng kẹo hạt đào ấy không? Tôi tưởng ông không dùng nên tôi mạn phép ăn mất rồi!
- Ăn kia! Chà chà! Anh biết nó làm bằng gì không mà ăn?
Người lái thuyền:
- Kẹo chẳng qua là làm bằng qua nhân, hột đào, đường, bột mì chứ gì?
- Đồ chó! Ta hằng ngày mắc chứng chóng mặt, mất mấy trăm lạng bạc mới chế được liều thuốc này. Sâm là do cụ Trương lúc làm quan ở Thượng Đảng mua về, hoàng liên là do cụ Chu làm quan ở Tứ Xuyên đem về. Mày là đồ khốn! Trư Bát Giới ăn nhân sâm thì biết mùi gì. Nói dễ lắm. Kẹo hạt đào! Kẹo hạt đào! Mấy miếng vừa ăn đây không biết mất mấy mươi lạng bạc rồi, mày ăn mất cả thuốc của tao rồi! Sau này tao mắc chứng chóng mặt, lấy thuốc ở đâu? Đồ khốn! Mày giết tao!
Y gọi Tứ Đẩu Tử lại mở tráp lấy thiếp ra viết, đem tên này đến phủ cụ Thang, đánh vài mươi roi đã sau hãy bàn!
Người cầm lái hoảng sợ, nhăn nhó nói:
- Tôi ăn thấy nó ngòn ngọt, không biết là thuốc tưởng là kẹo.
Nghiêm cống sinh nói:
- Lại kẹo! Lại kẹo! Tao tát cho một cái bây giờ!
Nghiêm vừa nói vừa lấy thiếp ra viết đưa cho Tứ Đẩu Tử. Tứ Đẩu Tử vội vàng chạy lên bờ. Những người khuân hành lý giúp chủ thuyền can ngăn Nghiêm. Những người trong hai thuyền đều lo sợ.
Mọi người nói:
- Cụ Nghiêm! Thực ông ta đã làm bậy, ăn mất thuốc của cụ, nhưng ông ta là người cùng khổ, nếu bán cả thuyền đi cũng không lấy gì đủ mấy mươi lạng để đền cụ. Bây giờ mà có đem lên huyện, thì ông ta chịu sao nổi. Nay xin cụ làm ơn bỏ quá đi cho.
Nghiêm cống sinh lại càng giận dữ điên cuồng.
Mấy người khuân hành lý lại nói với những người trên thuyền:
- Việc này là do người trên thuyền ông làm sai. Nếu các ông không đòi tiền thưởng thì ông Nghiêm đã lên kiệu mà đi rồi. Chỉ vì các ông giữ ông ta lại, nên ông ta mới hỏi đến thuốc! Bây giờ biết lỗi ở mình thì phải đến cúi đầu xin lỗi ông ta đi. Các ông đã không đền được thuốc ông Nghiêm thì đời nào ông Nghiêm lại trả tiền cho các ông nữa.
Mọi người bắt người lái thuyền cúi đầu mấy cái. Nghiêm cống sinh quay lại nói:
- Thôi được! Các ông đã nói thì ta cũng tha cho. Ta còn phải lo việc vui của cậu hai! Hãy để nó đó đã! Nó có chạy đằng trời đâu mà lo!
Mắng nhiếc xong Nghiêm lên kiệu. Người mang hành lý và tôi tớ đi theo.
Người chở thuyền trố mắt nhìn họ đi.
Nghiêm về đến nhà, bảo con giai và con dâu ra lạy tổ tiên. Lại bảo vợ ra cho họ cùng lạy. Vợ ở trong nhà đang còn loay hoay. Nghiêm hỏi:
- Bận cái gì thế?
- Ông không biết nhà ta chật như cái hũ à? Chỉ có một cái phòng khá rộng thôi. Con dâu mới về lại con nhà đại gia thì phải ở đấy chứ?
- Ờ! Ta tính cả rồi thật bà là mù! Nhà chú hai cao ráo rộng rãi, ở đấy không được sao?
- Nhà của người ta làm sao người ta lại cho con ông ở?
- Chú hai không cần lập tự à?
- Không được, thím đã xin đứa con trai thứ năm rồi.
- Nó có quyền gì đấy! Nó là người thế nào! Ta lập tự cho chú hai thì can gì đến nó.
Vợ nghe vậy không hiểu gì. Chỉ thấy Triệu thị cho người nhà đến nói:
- Thím hai thấy bác về, mời bác sang nói chuyện. Hai cậu đều ở bên ấy cả.
Nghiêm liền qua thấy Vương Đức, Vương Nhân. Sau khi chào hỏi qua loa, y bảo gia nhân:
- Quét dọn cái nhà giữa, ngày mai cậu hai và cô dâu đến ở!
Triệu thị nghe thế tưởng rằng y muốn Triệu thị lập người con thứ hai làm thừa tự, nên nói với các ông cậu:
- Này cậu. Bác vừa nói cái gì vậy? Nếu cháu dâu sang thì lẽ tự nhiên là phải ở nhà sau, tôi phải ở nhà trước như cũ, như thế mới trông nom được nó. Tại sao lại bảo tôi sang nhà sau? Con dâu ở gian giữa, mẹ chồng lại ở gian bên, thì còn trời đất nào nữa!
Vương Nhân nói:
- Đừng hoảng hốt, để xem ông ta nói thế nào! Cố nhiên là phải bàn định chứ.
Nói xong đi ra, bàn với nhau mấy câu, rồi uống trà. Một người đầy tớ nhà họ Vương lại nói:
- Có người bạn học đợi ở nhà để đi họp làm văn.
Hai người bèn cáo từ ra về.
Nghiêm cống sinh trở lại, ngồi trên một cái ghế, gọi mười mấy người nhà đến bảo:
- Cậu hai của ta đến mai sang ăn thừa tự, tức là ông chủ mới của bay, bay cần phải hết lòng hầu hạ. Cô Triệu không có con cái thì cậu hai chỉ xem là thiếp của cha thôi, không có lí do gì mà giữ lấy nhà giữa. Nói với bọn a hoàn dọn dẹp hai gian phòng, dọn đồ đạc cô ta sang đó để dành nhà giữa cho cậu hai ở. Để cho hai bên khỏi hiềm nghi nhau thì cậu hai sẽ gọi cô là "cô", cô gọi cậu hai là "ông" và gọi cô dâu là "bà". Một hai hôm nữa cô dâu đến ở thì Triệu thị phải ra vái chào trước. Sau đó cậu hai mới đáp lễ. Chúng ta là con nhà hương thân, việc lễ nghi không thể bỏ qua được. Chúng bay phải lo việc ruộng nương nhà cửa, lời lãi bao nhiêu tính toán sổ sách cho xong rồi phải đưa trình, ta sẽ xem xét kĩ càng trước khi giao cho cậu hai kiểm tra. Không được làm như lúc chú hai còn sống, cứ giao tất cả cho nàng hầu và cứ để chúng bay làm gì thì làm. Từ rày về sau hễ dối trá cái gì thì ta đánh cho mỗi đứa ba mươi gậy, và sai dẫn đến cụ huyện Thang bắt trả tiền đấy.
Mọi người vâng dạ, Nghiêm trở về nhà.
Bọn gia nhân trai gái cứ nghe lời Nghiêm bắt Triệu thị phải dọn phòng, Triệu thị chửi mắng một trận, họ không dám làm gì, vì hàng ngày họ đã thấy Triệu thị làm mưa làm gió. Bọn này lại kéo nhau vào phòng bàn:
- Ông bác nói như vậy chúng ta dám trái sao được? Vì thực ra ông ta là chủ. Nếu ông ta nổi giận thì chúng ta làm thế nào?
Triệu thị khóc trời, kêu đất, vừa khóc vừa mắng, làm ồn ào cả đêm. Hôm sau đi kiện lên huyện, vừa gặp lúc tri huyện Thang ở công đường nên đến kêu oan. Tri huyện bảo viết đơn lên. Hôm sau cho chữ "Mời họ hàng đến phân xử và phúc trình".
Triệu thị dọn tiệc mời trưởng tộc là Nghiêm Chấn Tiên là người giữ khoán của khu mười hai trong thành và họ hàng đến. Nhưng tất cả họ hàng hàng ngày vẫn sợ Nghiêm. Chấn Tiên đến đây chỉ nói:
- Tôi tuy là trưởng tộc, nhưng việc này là việc riêng, chứ không phải việc họ, tôi chỉ có thể nói với quan như vậy thôi.
Hai người cậu là Vương Đức, Vương Nhân ngồi như tượng gỗ, không biết nói gì. Người bán gạo là Triệu Lão Nhị và người thụt bễ là Triệu Lão Hán, thường ngày không được ai quý trọng, mỗi lần muốn nói thì mắt Nghiêm lại trừng trừng nhìn và mắng át đi nên họ không dám thở ra một câu. Hai người tự an ủi:
- Cô nó hằng ngày chỉ lo kính trọng anh em họ Vương, xem ta không ra gì. Chúng mình không có lí do gì làm ông Nghiêm mất lòng. "Vuốt râu hùm" làm gì? Tốt hơn là đừng nói năng gì cả.
Triệu thị ở sau bình phong cuống cuồng như con kiến trên nồi nóng, thấy mọi người đến không nói năng gì, liền hỏi ý cụ Dương Chấn Tiên và đem chuyện ngày xưa ra kể, kể rồi lại khóc, khóc rồi lại kể.
Nghiêm cống sinh nghe vậy không chịu nổi nói: - Cái con đĩ này là con nhà bần tiện! Chúng ta hạng người cao quý đâu có cái lối thế này! Mày mà trêu tức tao thì tao kéo đầu ra đánh một trận, rồi gả quách cho thằng nào đi cho xong!
Triệu thị lại càng khóc mắng già. Tất cả làng xóm đều nghe. Thị muốn xông ra nắm lấy xé lão Nghiêm nhưng đầy tớ gái giữ lại.
Mọi người thấy việc không hay, dắt Nghiêm về. Rồi mọi người về nhà.
Ngày sau họ bàn nhau làm bản phúc trình quan. Vương Đức, Vương Nhân nói:
- Làm người học hành, không bàn việc kiện tụng. Và không chịu kí tên vào tờ phúc trình. Nghiêm Chấn Tiên chỉ có cách nói nước đôi: "Triệu thị là thiếp đã được lập làm vợ chính. Việc đó có thực. Nhưng Nghiêm cống sinh cho là không đúng luật không cho con gọi bằng mẹ thì cũng có lí. Nhờ quan xét xử".
Tri huyện Thang vốn là con một người thiếp, thấy tờ phúc trình thì nói:
- Luật lệ đặt ra là một việc, nhưng cốt là thuận nhân tình. Anh cống sinh này khéo lắm chuyện!
Bèn phê: "Triệu thị đã làm vợ chính rồi thì không xem là thiếp nữa. Nghiêm cống sinh không muốn cho con mình thừa tự, vậy tùy ý Triệu thị muốn lập ai thì lập".
Nghiêm cống sinh xem lời phê này đầu nóng như lửa, liền viết đơn lên phủ. Tri phủ cũng có người thiếp, cho đó là việc vặt, giao cho tri huyện Cao Yếu xét. Khi tri huyện xét đầu đuôi câu chuyện thì phê: "như lời trình trước".
Nghiêm lại càng tức, đệ đơn lên quan Án sát. Án sát phê: "Việc nhỏ mọn, giao cho tri phủ và tri huyện xét".
Nghiêm không biết làm sao, đột nhiên nhớ:
"Chu học đạo là cùng họ với ông Chu thông gia của ta, ta phải lên kinh đem việc này tìm Chu học đạo ở bộ mà nộp đơn kiện mới ra lẽ.
Chỉ nhân chuyến đi này làm cho:
kẻ túc nho lại chiếm cao khoa,
người anh tuấn đỗ lên thượng đệ.
Muốn biết Nghiêm cống sinh kiện cáo có được chuẩn y không, hãy đợi hồi sau phân giải