Gặp Nhau Phút Đầu Cuối Cùng Lìa Xa
Đăng vào: 12 tháng trước
Thậm chí khi đã bước vào phòng thẩm vấn của tổ hình sự, Nghiêm Cẩn vẫn chưa hiểu được nguyên nhân anh bị gọi tới sở cảnh sát đích thực là gì.
Hai vị cảnh sát mặc thường phục rất khách sáo với anh, nhưng họ kín miệng như bưng, dù Nghiêm Cẩn có hỏi han thế nào cũng chỉ nhận được duy nhất một câu trả lời là: Chờ một chút, chốc nữa lãnh đạo tới anh sẽ biết ngay thôi.
Báo hại Nghiêm Cẩn vắt óc cẩn thận nhớ lại hành tung hơn một năm qua của mình rồi tự thấy bản thân không làm gì trái pháp luật, phá hoại kỷ cương đất nước cả, nếu không tính đến chuyện nhiều năm trước làm ăn ở khu vực biên giới với Nga, vì một số nguyên nhân khiến anh không thể không lách luật, sợ rằng sự thật này lại bị ai đó khơi ra.
Anh ngồi trong phòng thẩm vấn, ban đầu không ai hỏi han gì.
Sau đó một người mặc đồng phục cảnh sát bước vào, đặt tới trước mặt anh một tách trà.
Nghiêm Cẩn giận dữ hỏi: “Rốt cuộc là chuyện gì? Một ai đó có thể cho tôi biết chuyện gì được không?”
Vị cảnh sát nói anh đợi một chút, đừng sốt ruột, mọi người đang họp, lát họp xong ắt sẽ có người tới tiếp anh.
Nghiêm Cẩn đợi thêm nửa tiếng nữa, cuối cùng cũng nghe thấy tiếng mở cửa.
Anh vừa quay lại thì trông thấy hai vị cảnh sát mở cửa đi vào, một người trong đó vóc dáng bình thường, nước da ngăm đen, chính là vị cảnh sát hình sự anh được diện kiến mấy hôm trước: Triệu Đình Huy.
Tâm trạng Nghiêm Cẩn dễ chịu hơn một chút khi biết rằng lệnh triệu tập hôm nay không liên quan tới việc anh đã làm nhiều năm trước.
Giờ phút này lòng kiên nhẫn của anh đã bị mài mòn đến tận cùng nhưng thái độ vẫn giữ được đôi chút thành khẩn giả tạo: “Nếu các anh muốn biết thêm chuyện gì về Lưu Vĩ cứ việc hỏi tôi, tôi sẽ rất hợp tác, biết gì khai nấy, sẽ không giấu giếm bất cứ điều gì, đây là lúc tôi hân hạnh được làm nghĩa vụ công dân mà.
Nhưng các anh cũng phải biết nghĩ chứ, hôm nay là hai mươi ba tháng chạp, chìa “lệnh triệu tập” ngay trước mặt ba mẹ tôi? Thử nghĩ mà xem, lỡ làm kinh động đến người già thì sao?”
Triệu Đình Huy thong thả đi tới chiếc bàn trước mặt anh, ngồi vào ghế rồi nói: “Chúng tôi mời anh đến không phải vì Lưu Vĩ.”
“Không phải vì Lưu Vĩ? Vậy không hiểu các anh mời tôi tới đây làm gì?”
“Vì sao chúng tôi tìm anh, lẽ ra trong lòng anh phải biết chứ!”
“Xin lỗi, tôi thật sự không biết.
Sống trên đời tôi chưa bao giờ phạm pháp, đến cái lá cây rơi tôi còn sợ nó rơi vỡ đầu tôi, tôi là công dân sống và làm việc theo pháp luật đấy.”
“Rồi anh sẽ biết.” Triệu Đình Huy nhìn thẳng vào anh, mặc dù ông ta đang mỉm cười nhưng cặp mắt sáng quắc khiến đối phương không khỏi đổ mồ hôi lạnh: “Chúng tôi sẽ khiến anh hiểu được thôi.”
Đúng như lời Triệu Đình Huy nói, quả thực Nghiêm Cẩn đã hiểu, nhưng phải ba tiếng sau anh mới hiểu.
Trong một căn phòng không có cửa sổ, khi anh nhận ra cảnh sát cứ đi vòng quanh mình hỏi đi hỏi lại hành tung của anh đêm 24/12 năm ngoái, nhiều lần truy hỏi anh về thời gian, địa điểm, ở cùng ai, nói chuyện gì, làm những gì, cuối cùng anh cũng ý thức được thì ra cảnh sát cho rằng anh có liên can đến vụ án sát hại Trạm Vũ.
Ý thức được điều này, cảm xúc đầu tiên của Nghiêm Cẩn không phải giận dữ mà là cảm thấy nực cười.
Anh hỏi Triệu Đình Huy: “Cảnh sát Triệu, sao các người lại móc nối vụ án này với tôi? Chỉ vì tôi từng nói rằng Lưu Vĩ có thể là hung thủ sao?”
Triệu Đình Huy không đáp, im lặng nhìn anh một lúc rồi lấy ra một túi nilon, ra hiệu cho người cảnh sát trẻ đi cùng đưa tới trước mặt Nghiêm Cẩn để anh nhìn thật kỹ.
Trong túi nilon được niêm phong là một vật kim loại màu bạc đã nhuốm đen, vuông vức, kích thước khoảng 4cm, bên trên có khắc hình một cành olive, có cả ký hiệu nổi bật của hãng Dupont.
Nghiêm Cẩn giật mình.
Món đồ này rất thân thuộc với anh, đây chính là chiếc bật lửa anh làm mất ở khách sạn vào ngày sinh nhật 14/2 năm ngoái.
Có nằm mơ anh cũng không ngờ rằng, gần một năm sau anh gặp lại nó, lại là ở trong tay cảnh sát.
Dưới đáy bật lửa có ba ký tự mờ mờ: M-A-Y, giống như bị người ta dùng móng tay hoặc vật nhọn nào đó tự khắc lên, điều này khẳng định đây chính là chiếc bật lửa anh đã tìm nhiều lần không thấy, không thể nhầm được.
Anh ngước lên: “Các anh tìm thấy nó ở đâu vậy?”
Triệu Đình Huy không đáp lời mà hỏi ngược lại anh: “Anh có nhận ra nó không?”
“Nhận ra chứ.” Nghiêm Cẩn bình thản đáp: “Đây là di vật một người bạn quá cố để lại cho tôi, đầu năm ngoái chẳng may làm mất.
Nhưng sao nó lại rơi vào tay các anh?”
Triệu Đình Huy ra hiệu cho người cảnh sát trẻ cất chiếc bật lửa đi rồi mới nói: “Cái này tôi có thể trả lời anh.
Chúng tôi phát hiện vật này trong số các di vật của nạn nhân tại hiện trường vứt xác.”
“Hả?” Nghiêm Cẩn tưởng như có sét đánh ngang tai: “Không thể nào! Không thể có chuyện đó được!”
Triệu Đình Huy mỉm cười.
Đây là lần đầu tiên ông ta nhoẻn miệng cười trong buổi thẩm vấn hôm nay: “Tại sao anh lại nghĩ là không thể có chuyện đó được?”
Từ ngày biết Trạm Vũ gặp nạn, trong đầu Nghiêm Cẩn luôn nhận định cái chết của cậu có liên quan rất lớn tới Lưu Vĩ.
Theo kiểu làm việc bấy lâu nay của Lưu Vĩ, lần này cho dù không liên quan đến phụ nữ thì ý định trừ khử Trạm Vũ trong đầu hắn chắc chắn cũng không phải mới nung nấu ngày một ngày hai.
Từ thời điểm Trạm Vũ ỷ lại vào sự chở che của Nghiêm Cẩn, ngày càng lên mặt ở khu quán bar, không coi Lưu Vĩ ra gì, có lẽ hắn đã có ý định này rồi.
Mặt khác, thời điểm Trạm Vũ bị sát hại có lẽ xảy ra sau khi cậu rời khỏi nhà anh tối Noel.
Bởi vậy mấy ngày nay anh mới sai người ráo riết truy lùng tung tích của Lưu Vĩ.
Nhưng trong tài liệu điều tra của công an, nghi phạm và động cơ phạm tội của vụ án này hoàn toàn không phải như vậy.
Vì vẫn chưa tìm thấy điện thoại di động của Trạm Vũ nên thứ tự ưu tiên điều tra nghi phạm của cảnh sát sẽ bắt đầu từ những số điện thoại Trạm Vũ thường liên lạc trong lịch sử cuộc gọi.
Mỗi số điện thoại có liên hệ với cậu trong vòng nửa tháng trước ngày bị hại đều được nhất loại điều tra nhưng vẫn chưa có thu hoạch lớn nào, vì đa phần các số điện thoại đó đều là bạn học của cậu.
Cuối cùng, cảnh sát chú ý tới một số điện thoại cố định có mã vùng Bắc Kinh, vì nó đến từ một quán bar đặc biệt, đó là một quán bar đồng tính có cái tên cũng đặc biệt không kém: Đừng bảo mẹ.
Tiếp tục điều tra, sự thật Trạm Vũ đang hành nghề trai bao trong quán bar tình dục này lập tức phơi bày trước mặt cảnh sát.
Sự thật này thực sự đáng sợ, nó phá tan hình tượng sinh viên ngoan ngoãn hiếu thảo qua lời miêu tả của ba mẹ, thầy cô và bạn học của cậu.
Về phần chiếc bật lửa được phát hiện trong người nạn nhân, khi cảnh sát đến điều tra ở quán bar kia, món đồ này được nhiều người xác nhận là vật tùy thân của Trạm Vũ, sinh thời cậu còn thường xuyên nói với họ chiếc bật lửa đó là tín vật Nghiêm Cẩn tặng mình trong lần đầu gặp gỡ.
Có danh tiếng của Nghiêm Cẩn ở đó, nhiều người không dám làm gì quá đáng với Trạm Vũ, vì thế chiếc bật lửa biến thành tấm bùa hộ mệnh của Trạm Vũ trong khu quán bar này.
Đó cũng là lý do chủ nhân cũ của chiếc bật lửa là Nghiêm Cẩn lọt vào tầm ngắm của cảnh sát, trở thành một trong những nghi phạm trọng điểm.
Sau khi nhận ra mục đích thực sự của lần triệu tập này, Nghiêm Cẩn không chịu trả lời bất cứ câu hỏi nào nữa, khi bị ép quá, anh mới nói: “Tôi có quyền giữ im lặng mà, phải không?”
Cứ bị dày vò như thế trong suốt bảy mươi hai giờ.
Dù những người trong tổ chuyên án áp dụng chiến thuật “đánh luân phiên”, thay nhau tới hỏi cung cũng bị tra tấn đến mệt lử, huống chi Nghiêm Cẩn ba ngày ba đêm không nghỉ ngơi.
Cuối cùng, cho dù lý trí anh có là sắt đá chăng nữa, cũng đã đến lúc ngấp nghé bên bờ vực suy sụp.
Đối với những vụ án bình thường, khi thẩm vấn đến mức độ này cũng là lúc cảnh sát sẽ cân nhắc việc phóng thích tạm thời.
Song đối với tổ chuyên án 29/12, xét đến mức độ nghiêm trọng của vụ án, chứng cứ lại tương đối đầy đủ, cho dù khẩu cung của nghi phạm chỉ là con số 0, họ cũng tuyệt đối không thể thả người.
Vì thế, việc xin lệnh giam giữ hình sự trở thành điều hiển nhiên phải làm.
Cuối cùng, giây phút đặt bút ký vào “biên bản giam giữ hình sự”, Nghiêm Cẩn vẫn không dám tin, không dám tin rằng loại tình tiết vớ vẩn chỉ xuất hiện trên phim lại đang xảy ra với chính mình.
Anh không khỏi hoài nghi liệu rằng những điều vừa xảy ra với mình trong suốt bảy mươi hai giờ qua có phải chỉ là một giấc mộng hoang đường vô lý, là do ông trời thấy anh sống quá thoải mái mới tạo ra một trò chơi đùa cợt anh như vậy hay không? Nhưng nếu chỉ là ác mộng bình thường, anh chỉ cần choàng mở mắt là có thể thức giấc, còn cơn ác mộng này, không biết sẽ kéo dài bao lâu nữa.
Nghiêm Cẩn không hề biết rằng, từ sau khi tổ chuyên án 29/12 được thành lập, mặc dù mới không bao lâu nhưng căn cứ vào kết quả điều tra và lời khai của các nhân chứng, tổ chuyên án đã nắm được không ít chứng cứ.
Đáng tiếc, một vài chứng cứ mấu chốt lại rất bất lợi với anh:
Thứ nhất, đêm muộn ngày 24/12 năm ngoái, bảo vệ chung cư và hàng xóm đối diện đều tận mắt trông thấy Trạm Vũ đi vào nhà Nghiêm Cẩn.
Thứ hai, cả hàng xóm đối diện lẫn hàng xóm tầng dưới đều có thể xác nhận, đêm hôm đó trong nhà Nghiêm Cẩn có lẽ đã xảy ra ẩu đả kịch liệt, có tiếng đánh đấm và tiếng đồ vật đổ vỡ.
Thứ ba, căn cứ vào kết quả khám nghiệm tử thi, suy đoán thời gian tử vong của Trạm Vũ rơi vào khoảng từ ngày 24/12 đến 25/12, mặt khác sau khi ghé qua nhà Nghiêm Cẩn vào đêm 24/12, cậu không còn xuất hiện ở nơi nào khác, mãi đến ngày 29/12 người nhặt rác tìm thấy một phần thi thể.
Về điểm thứ ba này, cảnh sát còn điều tra được rằng, theo camera ghi hình ở khu chung cư của Nghiêm Cẩn, đích thực họ trông thấy hình ảnh Trạm Vũ đi vào khu nhà, nhưng lại không thấy camera ghi lại lúc Trạm Vũ rời khỏi đó, đây chính là chứng cứ quan trọng nhất.
Về phần động cơ gây án, thông quan việc điều tra các mối quan hệ của Nghiêm Cẩn, rất nhiều người có thể xác nhận anh và nạn nhân có mối quan hệ bất thường trong thời gian dài, gần đây do nạn nhân dấn thân vào công việc mua bán xác thịt phi pháp mà quan hệ của hai người trở nên căng thẳng vô cùng, vì thế không thể loại trừ khả năng giết người vì tình.
Chứng cứ của cơ quan điều tra thoạt nhìn có vẻ rất đầy đủ, hơn nữa các chứng cứ liên quan cũng đã hoàn chỉnh, logic chặt chẽ, khiến cho Nghiêm Cẩn – trên thực tế - đã lâm vào tình cảnh khó lòng chối cãi.
Nghiêm Cẩn không lạ lẫm với hoàn cảnh trong trại tạm giam.
Hơn mười tuổi anh đã ra ra vào vào nơi này vài lần vì những trận ẩu đả xô xát.
Nhưng lúc đó, khi bước vào cánh cửa sắt của trại tạm giam, anh vẫn thấy rất bình thản vì biết chắc rằng sẽ nhanh thôi, cùng lắm chỉ phải ở đây một buổi tối, sẽ có người đứng ra “bảo lãnh” để anh được ra ngoài.
Nhưng lần này vì liên quan đến án mạng, trong lòng anh biết rõ, người có thể ra mặt duy nhất phải là ba mình, nếu không khả năng xin được bảo lãnh để thẩm tra sau gần như bằng 0.
Anh bị đưa vào trại tạm giam ngay trong đêm, đi theo cảnh sát áp giải của tổ chuyên án băng qua khu vực canh gác rồi làm đầy đủ các thủ tục theo trình tự: cởi hết quần áo, kiểm tra sức khỏe, in vân tay rồi mặc lại áo sơ mi, áo khoác, quần và đeo tất, sau đó đi theo cảnh sát của trại tạm giam tiến vào một không gian u ám.
Nghiêm Cẩn lúc này đã hoàn toàn không còn giống chính anh khi đứng trong khu vực làm việc của cảnh sát khi nãy nữa: phéc mơ tuya quần jean đã bị gỡ bỏ, trên áo khoác không còn bất cứ chiếc cúc bằng đồng nào, những nơi vốn là cúc áo lúc trước bây giờ trở thành những lỗ khoét nhỏ, giày da cũng bị thu lại vì bên trong có một miếng thép, mà theo quy định của trại tạm giam, trên quần áo của tất cả nghi phạm đều không được phép tồn tại bất cứ thứ gì làm bằng kim loại.
Vì thế, Nghiêm Cẩn khoác áo, bộ phận đàn ông quan trọng trên cơ thể không được che chắn, đi chân trần trên nền xi măng lạnh buốt, theo sau cảnh sát băng qua vài cánh cửa sắt, cuối cùng dừng lại trước một cánh cửa sắt khác.
Và ở đằng sau song sắt ấy chính là nơi dừng chân đầu tiên trong trại tạm giam của anh.
Từ nơi này, người công dân có đầy đủ tên họ là Nghiêm Cẩn, trở thành số 0382..