Chương 7: Cá Bơi

Hồ Điệp Cùng Kình Ngư

Đăng vào: 12 tháng trước

.



Vừa về tới bệnh viện Hồ Điệp đã bị Tưởng Mạn vội kéo đi chụp X-quang, không tổn thương đến xương, chỉ là bị bầm một chút, bác sĩ kê cho ít thuốc lưu thông máu làm tan máu tụ.
“Con xem con đi, lớn như vậy rồi, còn có thể vừa đi vừa nghịch điện thoại để thành ra thế này đây.” Tưởng Mạn bóp thuốc ra lòng bàn tay, xoa vào vết bầm trên vai Hồ Điệp.
Cô bị đau co rúm người lại, cả khuôn mặt nhăn lại: “Không phải con … shhh, mẹ mẹ mẹ nhẹ thôi nhẹ thôi, con đi không chú ý thôi mà ….”
“Hai ngày nữa bớt ra ngoài cho mẹ, ở bệnh viện nghỉ ngơi cho tốt đi.” Tưởng Mạn nói xong không thấy cô đáp, hỏi: “Nghe rõ chưa?”
Hồ Điệp nhe răng, “vâng” một tiếng thật dài.
Bôi thuốc xong, Tưởng Mạn vào phòng vệ sinh rửa tay.

Hồ Điệp kéo cổ áo xuống nhìn vết bầm trên vai, mùi thuốc phả vào mặt làm đau cả đầu.
Cô ghét bỏ chậc một tiếng, xuống giường mở cửa sổ phòng bệnh ra, nhiệt độ điều hòa trong phòng vốn đã cao, gió biển mang theo khi nóng thổi vào, không khí mát mẻ trong phòng biến mất hoàn toàn.”
Tưởng Mạn rửa tay xong đi ra thấy cô mở cửa sổ mà không đóng rèm, vừa lẩm bẩm vừa đi qua đóng rèm lại, xong xuôi lại thuận tay mở tivi lên.
Trên tivi đang chiếu dự báo thời tiết tuần tới ở Dung Thành, đều là trời nắng đẹp.
Tưởng Mạn đeo mắt kính lên, ngồi dưới bệ cửa sổ may nốt cái lần trước chưa làm xong.
Tình cờ Hồ Điệp ngẩng đầu lên, thấy bóng dáng của mẹ dưới ngọn đèn, đột nhiên có cảm giác cô không phải đang ở bệnh viện mà là ở nhà.
Cô đột nhiên gọi: “Mẹ ơi.”
“Hửm?” Tưởng Mạn không ngẩng đầu lên đáp lại một tiếng.
“Con…” Hồ Điệp muốn hỏi có phải bà chăm sóc cô rất mệt hay không, nhưng thế nào cũng không hỏi ra miệng được.
“Làm sao vậy?”
Hồ Điệp cười bảo: “Ngày mai con muốn ăn cháo sò biển với nấm.”
“Hôm nay ở nhà Kinh Du không phải con đã ăn rồi à? Ăn không sợ ngán à.” Nhắc đến Kinh Du, Tưởng Mạn lại hỏi: “Hôm nay con đến nhà người ta, bố mẹ cậu ấy có ở nhà không?”
“Không có, nhà anh ấy ở thành phố B, chắc là bố mẹ đều sống bên kia.” Hồ Điệp nói: “Nghỉ hè anh ấy đến đây chơi thôi.”
“Vậy à.”
Tưởng Mạn lại hỏi mấy câu nữa, Hồ Điệp không trả lời được, chỉ là đột nhiên nghĩa ra gì đó: “Hình như anh ấy là vận động viên bơi lội.”
“Ai cơ, Kinh Du á?”
“Vâng, nghe bạn học của anh ấy nói thế.” Hồ Điệp cầm iPad ở bên cạnh lên, ấn mở trình duyệt gõ hai chữ Thiệu Quân vào thanh tìm kiếm.
Trên Baidu có thông tin của Thiệu Quân, sinh ngày 6/1/1998, hiện đang theo học chuyên ngành Huấn luyện thể thao của trường đại học thể thao thành phố B, là thành viên của đội tuyển bơi lội Trung Quốc.
Hồ Điệp lướt xuống dưới, thấy một tấm ảnh của Kinh Du trong cột đề xuất vận động viên bơi lội của “Thiệu Quân bơi lội”.
Là một tấm ảnh anh mặc đồng phục đội tuyển quốc gia, khoác lá cờ đỏ năm sao, nhìn về phía ống kính cười rộ lên.
Hình ảnh có hơi mờ, nhưng cũng không thể che giấu được tinh thần phấn chấn và sự sôi nổi của chàng trai, so với Kinh Du mà Hồ Điệp gặp được như hai người khác nhau vậy.
Hồ Điệp bấm vào bức ảnh, ngay trang đầu Baidu đã có thông tin của Kinh Du.
Kinh Du, sinh ngày 7/11/1997 ở thành phố B, hiện đang theo học chuyên ngành Huấn luyện thể thao của trường đại học học thể thao thành phố B, cựu thành viên của đội tuyển bơi lội Trung Quốc.
Năm 2011 Kinh Du đoạt giải quán quân cự ly 200m và 400m trong cuộc thi bơi lội toàn quốc, phá kỷ lục cự ly 200m tự do của nhóm thiếu niên năm ấy, cũng là người giữ nguyên kỷ lục cho đến bây giờ.
Năm 2012 anh tham gia huấn luyện đội tuyển quốc gia, cùng năm anh tham gia Giải bơi lội vô địch thế giới và đoạt giải quán quân cự ly 400m tự do, đây cũng là giải thưởng vô địch thế giới đầu tiên của anh.
Năm 2013 huấn luyện khép kín một năm, tại Đại hội Thể thao châu Á 2014 anh một lần đoạt giải quán quân bơi tự do nam cự ly 50m và 200m, là nhà vô địch kép duy nhất tại Á vận hội năm đó.
Tại Đại hội Thể thao châu Á 2015 ở thành phố G, Kinh Du đã giành huy chương vàng ở hạng mục bơi tự do cự ly trung và dài.
Năm 2016, Kinh Du giải nghệ vì chấn thương, sự nghiệp bơi lội cũng chấm dứt.
……
……
Ngắn ngủi mấy dòng chữ, Hồ Điệp xem gần nửa tiếng, trên Baidu có rất nhiều video ngắn của Kinh Du lúc tham gia thi đấu.
Cô tùy tiện bấm vào một cái.
Trong video, chàng trai như mũi tên rời cung, khi tiếng còi vang lên liền lao vào trong nước, tần suất chuyển động tay rất nhanh, chân dài phối hợp đạp nước, cả người lao nhanh về phía bên kia của bể bơi giống như một con cá.
Ở trong nước, Kinh Du giống như cá voi ở đại dương, như thể anh sinh ra để dành cho nước, những con sóng cũng đang cổ vũ anh.
Khoảnh khắc đầu ngón tay của anh chạm vào vạch đích, trên sân nổ ra những tràng pháo tay cổ vũ, lá cờ đỏ năm sao của Trung Quốc đứng đầu trên màn hình lớn, tiếp đó là tên và thành tích của Kinh Du.
Hòa cùng bầu không khí sôi động trên sân, Kinh Du vẫn còn ở trong bể bơi cũng mỉm cười theo, anh cởi mũ bơi và kính bảo hộ ra, nhảy ra khỏi mặt nước.
Thân hình rắn rỏi thon dài của chàng trai lộ hẳn ra trước ống kính.
Cả người anh ướt sũng, giống như ngọc đẹp ngâm trong nước, đứng tại chỗ tỏa sáng dưới ánh đèn sân khấu.
Video có độ phân giải cao, Hồ Điệp phóng to màn hình, cánh tay phải của chàng trai sạch sẽ, không có gì cả.
Cô nhìn thời gian thi đấu, 15 tuổi.

Thời gian đó, anh đang trên đà phát triển, đúng lúc tinh thần phấn chấn nhất.
Ở cuối video Hồ Điệp thấy thiếu niên đưa huy chương lên trước ống kính, mỉm cười đắc chí.
Đột nhiên cô thấy có chút đồng cảm[1].
[1] Nguyên văn là “同病相怜”:Đồng bệnh tương liên.

Khi hai con người cùng cảnh ngộ thì thông cảm cho nhau.
_
Có rất nhiều video thi đấu của Kinh Du, Hồ Điệp xem suốt một đêm, ngủ lúc nào cũng không biết.

Hôm sau khám sức khỏe định kỳ xong, cô bị cấm ra ngoài liền nằm trên giường xem tiếp những video còn lại.
Buổi trưa Hồ Viễn Hoành mang canh đến, thấy con gái vui vẻ nhìn chăm chú vào màn hình thì ghé vào nhìn thử: “Con có hứng thú với bơi lội từ bao giờ vậy?”
Hồ Điệp là một người không biết bơi, vui vẻ chạy trên sân băng cả ngày, hễ xuống nước là lại sợ.
“Không ăn được thịt heo còn không cho con xem heo chạy sao?” Hồ Điệp bấm tạm dừng, nhìn Hồ Viễn Hoành lấy đồ từ túi ra, “Hôm nay lại có gì ngon ạ?”
“Không phải con muốn ăn cháo sò biển với nấm à, nấu cho con rồi, còn có ít củ cải muối.” Hồ Viễn Hoành đặt cái bát cháo nhỏ lên bàn: “Mẹ con đâu?”
“Đang ở phòng làm việc của bác sĩ Chu ạ.” Hồ Điệp xuống giường đến cạnh bàn, cũng không rửa tay, trực tiếp gắp một miếng củ cải muối giòn bỏ vào miệng, nhai sừn sựt.
“Này!” Hồ Viễn Hoành vỗ vào mu bàn tay cô một cái: “Rửa tay xong rồi ăn, bố đi tìm mẹ con đây.”
Cô lười biếng đáp: “Vâng.…”
Hồ Viễn Hoành ra ngoài, Hồ Điệp ngồi cạnh bàn, ngửi hương cháo nhè nhẹ, lại chẳng thèm ăn mấy.
Sau mỗi lần Tưởng Mạn và Hồ Viễn Hoành đi gặp bác sĩ Chu, Hồ Điệp đều có thể cảm nhận được rõ tâm trạng thất thường của hai người họ, đoán chừng lần này cũng không phải tin tốt.
Cô khẽ thở dài, vừa nhấc thìa lên thì nghe thấy chuông điện thoại, là thông báo tin nhắn Wechat.
Hồ Điệp đứng dậy đi tới rút dây sạc, cầm điện thoại quay lại ngồi xuống bàn, mở Wechat lên.
Kinh Du: Ở bệnh viện à?
“Hả?” Hồ Điệp sửng sốt, nhắn lại một chữ.

Hồ Điệp: Ừ
Kinh Du: Em vẫn luôn ở bệnh viện à?
Hồ Điệp: Coi là vậy đi, sao thế? Anh cần giúp gì à?
Kinh Du: Không phải, là ba mẹ Mạc Hải biết hôm qua nó vô tình làm em bị thương, nhờ tôi đưa Mạc Hải đến xin lỗi với em.
Hồ Điệp: À
Hồ Điệp: Không cần phiền vậy đâu, tôi không có việc gì!!
Hồ Điệp gửi tin này xong, chợt nhớ được điều gì đó, lật lại lịch sử trò chuyện của cả hai, thấy cô lúc trước nhất quyết phải cảm ơn Kinh Du còn anh thì từ chối, không khỏi bật cười.
Điện thoại lại rung lên hai cái.
Kinh Du: Ừ.
Kinh Du: Biết rồi.
Hồ Điệp: “…”
Người này chẳng khách sáo chút nào nhỉ?
Hồ Điệp “haizz” một hơi dài, thấy Kinh Du không nói gì thêm, liền không nhắn lại nữa, mà thực sự cô cũng không muốn để Mạc Hải xin lỗi mình.
Cô vừa ăn trưa vừa xem video, ăn được một nửa thì Hồ Viễn Hoành đẩy cửa bước vào.
Hồ Điệp nhìn về phía sau ông, hỏi: “Mẹ đâu ạ?”
“Đi thanh toán rồi.” Vẻ mặt Hồ Viễn Hành nhìn không tốt lắm, miễn cưỡng mỉm cười trước mặt con gái, “Ăn ngon không?”
“Cũng được ạ.” Hồ Điệp giả vờ như không biết gì, phàn nàn: “Sò biển ít quá ạ.”
“Sò biển là hải sản, tuy bổ nhưng ăn nhiều cũng không tốt.” Hồ Viễn Hoành bước tới trước cửa sổ, nhìn thấy vỏ dừa được đặt trên bệ cửa sổ: “Sao vẫn còn giữ cái này thế?”
“Con giữ lại làm chậu hoa, mấy ngày nữa con con sẽ mua ít xương rồng về trồng.”
Hồ Viễn Hoành nói: “Con không sợ nó bị thối à.”
Hồ Điệp nghẹn họng: “Con quên mất.”
Hồ Viễn Hoành bật cười: “Được rồi, nếu con muốn trồng bố sẽ đi chợ mua sẵn về cho.”
……
Ăn trưa xong, Hồ Điệp ngủ trưa như mọi ngày, có lẽ tối qua ngủ không ngon, cô trực tiếp ngủ một giấc đến chiều.
Khi tỉnh lại mặt trời còn chưa lặn, Tưởng Mạn ngồi cạnh giường, cũng không làm gì cả, chỉ dịu dàng nhìn cô: “Ngủ ngon không?”
Hồ Điệp “vâng” một tiếng: “Mấy giờ rồi ạ?”
“Gần năm giờ rồi, bình thường con ngủ một hai tiếng là dậy, sao hôm nay lại ngủ lâu như vậy?” Tưởng Mạn chỉnh lại chăn giúp cô: “Có phải gần đây thấy khó chịu hay không?”
“Không ạ, do tối qua ngủ không ngon thôi, con không sao.” Hồ Điệp nhìn mẹ: “Mẹ ơi.”
“Ừm?”
Cô lại gọi một tiếng: “Mẹ ơi.”
“Sao thế?” Tưởng Mạn sờ trán cô một cái: “Hôm nay không đi ngắm mặt trời lặn nữa à?”
“Không phải mẹ không cho con ra ngoài sao?” Hồ Điệp chớp chớp mắt: “Trong hai ngày con sẽ không ra ngoài, mẹ ở với con nhiều hơn nhé.”
“Không phải ngày nào mẹ cũng ở bệnh viện cùng con sao? Còn con ý, từ sáng đến tối thích chạy ra ngoài, cản cũng không cản được.”
Hồ Điệp cười cười, không nói gì.
Tưởng Mạn đứng dậy: “Được rồi, đứng dậy cho tỉnh ngủ đi, ngủ nhiều như vậy, đến tối lại không ngủ được.”
"Con nằm một lát rồi dậy ạ." Hồ Điệp nâng gối cao hơn, nằm trên giường chơi điện thoại.
Một lúc sau, Tưởng Mạn đẩy cửa bước vào: "Bố con gọi điện nói đường ống nước ở nhà bị hỏng, không đến bệnh viện được, mẹ về nhà lấy cơm tối cho con, đừng ra ngoài đấy."
“Vâng.”
Nhà Hồ Điệp nằm ở tiểu khu phía sau bệnh viện, đi qua đường là đến, bình thường một ngày ba bữa đều là Hồ Viễn Hoành nấu ở nhà rồi đưa đến.
Tưởng Mạn rời đi không bao lâu, Hồ Điệp lại nhận được tin nhắn Wechat của Kinh Du.
Thế mà anh lại học theo cách hành động trước báo cáo sau của cô, đến bệnh viện rồi mới hỏi cô có ở phòng bệnh không.

Cuối cùng Hồ Điệp cũng nhận ra tâm trạng của Kinh Du lúc đó, cũng không từ chối, gửi số phòng cho anh.
Hồ Điệp: 305 khu A.
Tại cổng bệnh viện, Kinh Du nhìn tin nhắn trên điện thoại, quay đầu nói với Mạc Hải: “Đi thôi.”
Mạc Hải đáp lại, ôm một giỏ trái cây lớn đi theo sau.
Khoa nội trú nằm ở phía Nam, phân thành nhiều khu, khu A là khoa ung bướu, bốn năm trước mẹ của Kinh Du bị bệnh, cũng từng ở đây một đoạn thời gian.
Trong lúc chờ thang máy, Kinh Du nhìn thấy phần giới thiệu khối u dán trên tường, trong lòng chợt nhớ tới bài báo xem tối qua.
Bài báo đề cập đến căn bệnh của Hồ Điệp là ung thư hạch Hodgkin, được chẩn đoán vào mùa đông năm 2016, nhưng không được đề cập chi tiết, phần còn lại là về những thành tích chói lọi của cô.
11 tuổi cô theo mẹ sang Los Angeles nước Mỹ huấn luyện, 14 tuổi tham gia cuộc thi trượt băng nghệ thuật ISU ở Nga, vượt qua mọi chông gai, cuối cùng cô giành được huy chương vàng trong trận chung kết diễn ra tại thành phố B, sau đó tham gia đội huấn luyện trượt băng nghệ thuật Trung Quốc.
15 tuổi giành được giải vô địch trượt băng nghệ thuật Bốn châu lục.
16 tuổi cô giành được huy chương vàng phần thi ngắn đơn nữ và bài thi tự do tại Chung kết Grand prix Trượt băng nghệ thuật.
17 tuổi tại Giải vô địch trượt băng nghệ thuật toàn quốc, dùng 70.84 điểm bài thi ngắn, 143.93 điểm bài thi tự do, với tổng điểm 214.77 điểm cô đã giành chức vô địch trượt băng đơn nữ, đây cũng là tổng điểm cao nhất trong sự nghiệp thể thao của Hồ Điệp.
……
Kinh Du nhớ rằng biên tập viên không dùng những từ ngữ tiếc nuối để viết về tai nạn của cô, nhưng chỉ cần ai đọc được bài báo này, hiểu rõ những thành tích mà cô đã đạt được, họ sẽ cảm thấy rằng tai nạn đó là một điều đáng tiếc.
Anh và cô, ở một khía cạnh nào đó, có phần giống nhau.
Đang suy nghĩ, thang máy đã xuống tầng một, Kinh Du đang định kéo Mạc Hải sang một bên nhường đường thì cửa thang máy mở ra, bên trong chỉ có Hồ Điệp.
Cô nhanh chóng bấm nút giữ cửa, mỉm cười với hai người họ: “Chào buổi chiều.”
Kinh Du ừ một tiếng: “Sao em lại xuống?”
“Tôi sợ các anh không tìm được chỗ, đúng lúc tôi cũng thấy chán ở trong phòng, nên ra ngoài hít thở không khí.” Hồ Điệp đợi họ vào, ấn nút vị trí trên tầng ba.
Cô nhìn giỏ trái cây mà Mạc Hải đang ôm trong tay, nghiêng đầu hỏi Kinh Du: “Cho tôi à?”
Kinh Du gật đầu: “Không biết em thích ăn gì, cho nên tôi mới chọn một ít.”
“Tốn kém quá.” Hồ Điệp lại nhìn hộp giữ nhiệt trong tay anh, chỉ chỉ nói: “Cái này cũng cho tôi?”
“Ừ, cháo sò biển với nấm.”
“…”
Kinh Du nhìn thấy sự khác thường của cô liền hỏi: “Sao vậy?”
“Hồi trưa tôi mới ăn cháo sò biển với nấm.” Hồ Điệp thở dài: “Bố tôi biết tôi muốn ăn món này nên đã nấu một nồi lớn, nếu tối nay anh không mang đến thì ông vẫn sẽ cho tôi ăn món này.”
“Vậy… Không thì tôi nấu cháo khác cho em?”
Vẻ mặt Hồ Điệp như đưa đám: “Chúng ta không bỏ món cháo ra được à?”
Kinh Du cười nhẹ: “Được.”
Hồ Điệp ở trong phòng bệnh đơn, Tưởng Mạn không ở đây, cô vừa mới dọn dẹp phòng khách sơ qua, “Ngồi đi, ba mẹ tôi về nhà lấy đồ rồi, khả năng lát nữa sẽ quay lại.

Hai người uống nước hay gì không? Nhưng mà chỗ tôi không có gì khác, chỉ có sữa thôi.”
Kinh Du: “Nước là được rồi.”
Hồ Điệp rót cho anh một ly nước, sau đó lấy một hộp sữa trong tủ lạnh nhỏ đưa cho Mạc Hải, ngồi ở một bên nhìn bọn họ vài giây, chợt hỏi: “Thiệu Quân đâu? Hôm nay sao anh ấy không đi cùng hai người?”
Kinh Du liếc cô một cái, rồi lại nhìn đi chỗ khác, “Hôm nay có bạn học đến, nó đến nhà ga đón họ rồi.”
“Là bạn đại học của hai anh sao?”
Kinh Du gật đầu: “Bọn họ tới đây chơi,” anh còn chưa kịp nói hết câu, Mạc Hải đã vội vàng chạy đến bên cạnh nói: “Ngày mai bọn em sẽ đi chơi trên thuyền!”
Hồ Điệp nhìn Kinh Du: “Đi biển à?”
“Ừ.”
“Thích thật đấy.”
Cô nói với giọng điệu có chút hâm mộ lẫn tiếc nuối.
Kinh Du nghe vậy, trái tim như bị nắm chặt một cái, anh đưa tay cầm cốc nước trên bàn lên, dùng đầu ngón tay cọ vào thành cốc, đột nhiên nói: “Em đến không?”
Phút chốc mắt Hồ Điệp sáng lên: “Tôi có thể đến sao?”
“Em đến được không?” Kinh Du nhìn cô, hỏi câu tương tự.
Hồ Điệp biết anh đang lo lắng điều gì, mỉm cười: “Tất nhiên là được.”
Anh nhấp một ngụm nước, cánh môi được làm ẩm, “Vậy thì đi.”.