Chương 48: 48: Kỳ Án Vứt Xác Trên Xe Lửa 14

Nhật Kí Nữ Pháp Y: Mật Mã Kỳ Án

Đăng vào: 12 tháng trước

.


Chiều ngày 8 tháng 7 năm 2002.

Mưa rào.
Thị trấn Cổ Bảo huyện Lương Sơn tỉnh Tùng Giang, trong nhà Phí Nghị Lâm.
Tôi và Thẩm Thư đã khởi hành từ sáng sớm, lái xe hơn 300km, sau khi đến thị trấn Cổ Bảo, được đồn trưởng đồn cảnh sát địa phương Trương Kì Chí dẫn đến nhà của Phí Nghị Lâm.
Thị trấn Cổ Bảo là một nơi nghèo tài nguyên, giao thông bất tiện, một thị trấn lâu đời và bảo thủ, đem so với những thị trấn cùng cấp khác, phát triển kinh tế gần như lạc hậu hơn cả chục năm.

Nhà của Phí Nghị Lâm là một căn nhà mái bằng thấp, gạch xanh ngói đỏ loang lổ được khắc màu tàn tích của gió mưa.

Lớp sơn xanh lá trên bề mặt cửa sổ rụng thành từng mảng, trong sân vườn mọc đầy cỏ dại.
Mở cửa bước vào, không gian trong phòng càng thêm bí bách.

Ánh sáng trong phòng không được tốt, trong cái mờ mịt hình như còn phảng phất một làn khói bụi.

Mùi ẩm thấp mốc meo ập thẳng vào mũi, khiến người ta cảm thấy ngột ngạt choáng váng.

Hai ông bà già tuổi đã qua thất thập đang ngồi trong gian bếp để nhóm lửa thổi cơm, trông thấy chúng tôi bước vào liền đứng dậy, trong biểu cảm hiền khô còn mang theo cả sự kinh ngạc.
Trương Kì Chí trước đây đã có hai lần đến nhà Phí Nghị Lâm, cũng đã gặp qua bố mẹ của ông ta, bước lên trước chào hỏi: “Chào hai cụ, hai cụ có khỏe không ạ? Có hai cảnh sát đến từ Sở Nguyên, muốn được gặp Nghị Lâm.” Bà cụ bĩu môi, đáp: “Mấy năm nay rồi có ai đến thăm nó đâu.

Sao? Nó đã thế này rồi, các cô cậu vẫn còn muốn nghe nó kể chuyện à?” Không hổ là mẹ của Phí Nghị Lâm, vừa nghe đến thân phận của chúng tôi là đã đoán ra được mục đích đến.

Thẩm Thư có chút khó xử, há mồm, nhưng lại không thốt nên lời.

Cuộc sống khó khăn của Phí Nghị Lâm vừa nhìn là thấy, việc mà Thẩm Thư đến nhờ ông ấy làm cũng là tình hình thực tế, nói gì cũng là cả vú lấp miệng em.
Tôi vội xoa dịu tình hình: “Đúng là chúng cháu có việc cần nhờ lão Phí giúp, nhất định sẽ không để bác ấy làm không công đâu ạ, Sở Cảnh sát sẽ trả thù lao.

Cụ à, chúng cháu đến vội quá nên chưa kịp chuẩn bị quà cáp gì, cháu có chút móng heo và lạp xưởng là đặc sản của Sở Nguyên, mong hai cụ nhận cho.” Nói xong, tôi đặt móng heo và lạp xưởng mua ở Sở Nguyên lên mặt bếp.

Cụ ông không ngẩng đầu, ồm ồm nói: “Đến thì đến, lại còn bày vẽ.

Bà cũng thật là, nói mấy lời vô vị đó làm gì? Nghị Lâm đang trong phòng đấy, các cô cậu vào đi.”
Tình trạng của Phí Nghị Lâm tệ hơn những gì mà chúng tôi tưởng tượng.

Ông ấy mới hơn 40 tuổi, nhưng tóc đã bạc trắng, bù xù xõa xuống vai.

Râu dài một gang, kéo dài xuống tận ngực.

Ông ấy ôm một chiếc chăn bẩn thỉu, ngồi cuộn tròn trên chiếc ghế mây, vừa gặm bánh nướng áp chảo, vừa chăm chú xem ti-vi, không hề để ý đến sự xuất hiện của chúng tôi.
Trên ti-vi đang chiếu phim hoạt hình “Conan”.

Tôi đã xem bộ phim này tận hai lần từ đầu đến cuối, nhìn lướt qua một cái, đang chiếu đến khoảnh khắc quan trọng của hai nghi phạm thật giả lẫn lộn, liền buột miệng nói ra tên của hung thủ thực sự.

Phí Nghị Lâm liếc mắt nhìn tôi, ánh mắt lộ ra vẻ bán tín bán nghi.

Chốc lát, hung thủ thực sự lộ diện, Phí Nghị Lâm kích động đứng bật dậy khỏi chiếc ghế mây, chỉ tay về phía tôi, cười khà khà.
Cảm xúc hưng phấn của tôi không kém gì Phí Nghị Lâm.

Tôi vừa được tận mắt chứng kiến tuyệt kỹ đọc môi thần kỳ của ông ấy.

Đương nhiên, tiền đề là tai ông ta quả thực đã bị điếc, hoàn toàn dựa vào mắt để “nghe”.
Chúng tôi đã làm vài thực nghiệm, đứng sau lưng ông ta hét lớn, hoặc chỉnh tiếng chuông điện thoại lên mức lớn nhất rồi phát ra, ông ta đều chẳng chút ngó ngàng.

Chỉ khi đứng trước mặt nói chuyện, ông ta mới thờ ơ liếc nhìn bạn một cái, nhưng có vẻ toàn bộ những ý mà chúng tôi diễn đạt ông ta đều hiểu.
Bà cụ thấy chúng tôi làm vậy có vẻ bất mãn, đứng trước cửa nói: “Được rồi, nó bị điếc mười năm nay, không nghe thấy gì đâu, các cô cậu không phải thử nữa.”
Thẩm Thư vẫn có chút không yên tâm, sợ Phí Nghị Lâm “nghe” được nhưng không diễn đạt được, cậu ta bắt tôi đứng cách xa 2m, không được phát ra tiếng, chỉ được mấp máy môi, nói ba chữ “Phí Nghị Lâm”, sau đó để ông ta nhắc lại.

Nhưng Phí Nghị Lâm mặc kệ, ngơ ngác nhìn Thẩm Thư, không quan tâm đến cậu ta, rồi lại quay sang xem ti-vi.
Thẩm Thư dùng ánh mắt để tỏ ý xin lỗi với bà cụ, sau đó lấy ra một miếng bánh nướng giòn thơm đã chuẩn bị từ trước, bỏ vào tay Phí Nghị Lâm rồi ra hiệu cho ông ấy nhắc lại lời tôi vừa nói.

Phí Nghị Lâm cắn một miếng to, cười khà khà, vừa nhai vừa đọc tên mình một cách mơ hồ nghe chẳng rõ.


Tôi nhân thể lại mấp máy môi lần nữa, đọc không thành tiếng một bài hát thiếu nhi dễ hiểu, Phí Nghị Lâm lần này không cần khuyên bảo, đọc lại không thiếu một chữ.

Tôi không biết tại sao một suy nghĩ lại nảy lên trong lòng, lại đọc không thành tiếng một bài thơ cổ trúc trắc, tin là với trí tuệ của Phí Nghị Lâm, nhất định sẽ không hiểu tôi đang nói gì.
Dễ nhận thấy lần này Thẩm Thư có chút căng thẳng, chăm chú nhìn vào phản ứng của Phí Nghị Lâm, lo ông ấy sẽ không nói ra được.

Ai mà biết, Phí Nghị Lâm ngơ ngác nhìn tôi độ hai giây, không ngờ lại có thể đọc lại từng câu từng chữ, trừ một số chỗ phát âm không chuẩn thì gần như không sai một từ.

Ông ấy không những đọc được ngôn ngữ môi, mà trí nhớ còn khiến người khác phải kinh ngạc.
Thật tuyệt vời! Hai mắt tôi đỏ rực vì kích động.

Bao nhiêu ngày tìm kiếm, chịu đựng sự chỉ trích và trách móc, khổ sở kiên trì dưới đủ mọi áp lực, vào khoảnh khắc này, mọi thứ đều xứng đáng.
Trương Kì Chí cũng tấm tắc khen ngợi: “Lão Phí, sao tôi không biết ông có biệt tài này nhỉ? Thật là một khả năng tuyệt vời.”
Thuyết phục mãi mới được bố mẹ của Phí Nghị Lâm đồng ý, chúng tôi dẫn ông ấy rời khỏi nhà.

Đằng sau truyền tới lời than phiền của hai ông bà già: “Lúc dùng đến thì lôi con người ta đi, còn không dùng đến thì lại trả cho hai thân già này một người tàn tật.” Câu nói ấy như một chiếc bàn là nóng rực, khiến hai má tôi đỏ bừng lên vì bỏng.
- ----------------------------
Đêm ngày 8 tháng 7 năm 2002.

Trời quang.
Phòng Kỹ thuật điều tra Sở Cảnh sát thành phố.
Khi trở về Sở Nguyên thì trời đã tối, chúng tôi ăn uống đơn giản rồi cắm đầu vào phòng làm việc của Phòng Kỹ thuật điều tra, trích xuất đoạn ghi hình lúc tài xế ta-xi nói chuyện với Miêu Diểu, lòng đầy hy vọng rằng Phí Nghị Lâm sẽ chứng minh cho chúng tôi một kỳ tích.
Ai mà biết được ông ấy xem xong lại không có phản ứng gì, ánh mắt lơ đãng, ra sức để nhai món điểm tâm Tiramisu, không hé nửa lời.

Tôi và Thẩm Thư quay ra nhìn nhau, thế là thế nào? Chả nhẽ ông ấy chỉ bận ăn, không “nghe” thấy tài xế ta-xi nói gì? Chúng tôi kiên nhẫn chờ đợi ông ấy ăn hết miếng bánh Tiramisu, dỗ ngon dỗ ngọt ông ấy, mời ông ấy kể lại cho chúng tôi những gì mà tài xế ta-xi đã nói.

Phí Nghị Lâm trợn tròn cặp mắt thăng trầm, vừa sáng suốt lại lờ đờ, ngoan ngoãn gật đầu.
Chúng tôi phát lại đoạn băng một lần.

Lần này Phí Nghị Lâm không ăn, chăm chú dán mắt vào màn hình.

Đoạn băng dài một phút nhanh chóng kết thúc, ông ấy vẫn giống như lần trước, ánh mắt lờ đờ, môi không động đậy.

Tôi và Thẩm Thư nín thở, chờ đợi kỳ tích xảy ra, căn phòng yên tĩnh đến độ có thể nghe thấy tiếng kim đồng hồ.
Cái tĩnh lặng đến sốt ruột này kéo dài đúng ba phút, Phí Nghị Lâm ngoài thở gấp thì không phát ra một tiếng động nào.

Tôi cuối cùng cũng không nhẫn nại được, hỏi ông ta một cách đầy nghi hoặc: “Lão Phí, tài xế ta-xi trong đoạn băng đó nói gì?” Phí Nghị Lâm ngẩng đầu, ngô nghê nhìn tôi, ánh mắt đục ngầu không mang theo bất cứ một biểu cảm nào.

Tôi tăng thêm ngữ khí thúc giục ông ta: “Rốt cuộc ông có nghe ra không? Nói gì đi chứ, hay chúng ta xem lại lần nữa nhé?” Phí Nghị Lâm há hốc mồm, ngơ ngác lắc đầu, bỗng nhiên bật khóc nức nở, nước mắt đầm đìa, vô cùng thảm thương.
Tôi và Thẩm Thư đánh mắt nhìn nhau, trong lòng lạnh ngắt.

Thẩm Thư thở dài, nói: “Ông ấy không nghe ra, bỏ đi, đừng ép ông ấy nữa, chắc hôm nay mệt quá rồi, để ông ấy nghỉ ngơi, ngày mai chúng ta thử lại xem sao.”
Sự kỳ vọng sục sôi trong lòng tôi bị một gáo nước lạnh dập tắt.

Đêm đó tôi nằm trên giường, lật qua lật lại mà không sao ngủ được, trong đầu toàn là hình ảnh mái tóc và bộ râu dài màu trắng xám cùng ánh mắt đục ngầu trợn tròn của Phí Nghị Lâm.

Rốt cuộc ông ta có năng lực đọc ngôn ngữ môi hay không? Tại sao ở nhà ông ấy thì trăm lần thử đều được cả trăm, đến lúc cầm dao súng thật ra trận thì một câu cũng không nghe ra?.